Bài 10: Viện KSND Tối cao vào cuộc vụ thi hành án tại 194 phố Huế

(Dân trí)- Ngày 25/8, theo nguồn tin riêng của Dân trí, sau khi có dư luận phản ánh về những “bất thường” của Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong việc tổ chức cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế, Viện KSND Tối cao đã vào cuộc xem xét vụ việc này.

Bài 10: Viện KSND Tối cao vào cuộc vụ thi hành án tại 194 phố Huế
Vụ cưỡng chế thi hành án có nhiều uẩn úc tại 194 phố Huế đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.
 
Không trả lời có, cũng chẳng bảo rằng không, trong 2 câu hỏi cuối của PV Dân trí, ông Trịnh Ngọc Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội lại một lần nữa né tránh câu trả lời.
 
Điệp khúc... né tránh

Câu hỏi của PV Dân trí: Ông có biết Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đang thụ lý vụ án để xét xử sơ thẩm lại vụ án này hay không?

Ông Trịnh Ngọc Chung trả lời:

“Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT ngày 21/12/2010 của Tòa án nhân dân Tối cao có nội dung: “… Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật…”.

Vì vậy, việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại vụ án là theo quy định của pháp luật”.

Có thể thấy, ông Chung cho rằng, việc TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại vụ án là điều hiển nhiên, hiển nhiên tới mức ai ai cũng biết, nên không hề liên quan đến nhiệm vụ của ông, vì thế ông trả lời rất thờ ơ, ngoài lề!

Trong khi Chi cục THADS là cơ quan thi hành các bản án cuối cùng có hiệu lực của Tòa án. Nhiệm vụ của Cơ quan THADS là “phần tiếp nối”, kéo dài của Tòa án, giúp thực thi triệt để các phán quyết của tòa. Do vậy, với tư cách là Chi cục trưởng Chi cục THADS, ông Trịnh Ngọc Chung không thể không biết đến “hệ quả” của việc TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại toàn bộ vụ án, đó là: Mọi công tác THADS liên quan đến vụ án đều phải dừng lại, chờ kết quả của phiên tòa mới.

Phải chăng vì đi ngược lại với quy định của pháp luật, quyết tâm THA đến cùng ngôi nhà 194 phố Huế khi bản án đã bị hủy nên ông Chung “lạnh nhạt”, coi như việc TAND TP. Hà Nội thụ lý xét xử lại từ đầu không liên quan gì đến ông (?).
 
Quyết định Thi hành án trong... "bóng đêm"

Câu hỏi của PV Dân trí: Cơ quan Thi hành án là cơ quan thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật. Khi bản án chưa có phán quyết cuối cùng thì căn cứ vào Bản án nào để Thi hành án vụ 194 phố Huế?

Ông Trịnh Ngọc Chung trả lời:

“Về nội dung này hồ sơ THA thể hiện: Trước khi nhận được quyết định giám đốc thẩm số 18 ngày 21/12/2010 của TAND Tối cao, ngày 24/8/2009 Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội đã bán đấu giá thành tài sản đã kê biên là một phần nhà và quyền sử dụng đất tại 194 phố Huế.

Điều 258 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “…Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng kí quyền sở hữu và bất động sản trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá....”

…Tại khoản 5, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định: “trường hợp Bản án, Quyết định đã được Thi hành một phần thông qua bán đấu giá, nay bị hủy, sửa thì cơ quan Thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua trúng đấu giá”.

Căn cứ các quy định nêu trên, ngày 29/6/2011 Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế THA để giao tài sản đã kê biên, bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá là có cơ sở, phù hợp quy định tại Điều 103, Luật THADS năm 2008”.

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư INTERLA (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Như vậy, theo ông Chung, trước khi có Quyết định Giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án thì ngôi nhà 194 phố Huế đã bị bán đấu giá. Do vậy, đây là trường hợp “sự đã rồi” nên đành phải làm nốt những công việc còn dang dở cho…chỉn chu (?!)

Theo Điều 50 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp "Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ"

Cũng trong Luật thi hành án dân sự 2008, Điều 136 quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: "Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới" .

Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM – GĐT của TAND Tối cao
Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM – GĐT của TAND Tối cao
(Ảnh: Vũ Văn Tiến) 

Như vậy, sau khi có Quyết định giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT tuyên hủy vụ án thì cơ quan THA phải đình chỉ việc THA và chờ có kết quả xét xử mới của TAND TP. Hà Nội để làm căn cứ giải quyết đối với vấn đề liên quan đến căn nhà số 194 phố Huế.

Theo thông tin Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng cung cấp thì “Ngày 14/4/2011 Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng ra quyết định đình chỉ thi hành án số 32/QĐ-THA và 33/QĐ-THA đình chỉ  thi hành khoản: Công ty TNHH Bắc Sơn phải thanh toán số tiền 25.547.337.500 đồng trả Ngân hàng Công thương chi nhánh quận Cầu Giấy và 13.000.000 đồng án phí. Quyết định đình chỉ thi hành án đã được thông báo cho các bên đương sự theo quy định”.

Tuy nhiên, có một điều hết sức kỳ lạ là: Mặc dù Báo Dân trí đã hơn một lần phản ánh Chi cục THA quận Hai Bà Trưng không đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 50 Luật THA dân sự, đồng thời ông Hoàng Ngọc Minh và gia đình 194 phố Huế cũng đã gửi rất nhiều đơn tố cáo ông Trịnh Ngọc Chung trong đó có nội dung này, nhưng không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi nào từ phía cá nhân ông Chung cũng như từ Cơ quan THA.

Vậy mà, sau khi Dân trí gửi câu hỏi phỏng vấn, ông Trịnh Ngọc Chung đã trình bày về quá trình THA ngôi nhà 194 phố Huế, trong đó khẳng định đã ban hành 02 Quyết định đình chỉ nêu trên và đã thông báo cho các đương sự.

Nếu như Chi cục THA đã thông báo và tống đạt đến cho đương sự, thì liệu ông Hoàng Ngọc Minh có viết đơn thư yêu cầu làm rõ hành vi không ban hành Quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật nữa hay không? Đến nay, ông Hoàng Ngọc Minh vẫn khẳng định, ông và toàn thể các thành viên trong gia đình 194 phố Huế chưa một lần được biết đến Quyết định đình chỉ THA này.

Vậy có hay không Quyết định đình chỉ THA của Chi cục THA quận Hai Bà Trưng? Tại sao đương sự không được biết và cung cấp Quyết định này? Dư luận đang đặt ra nghi ngờ rằng: có phải sau khi công luận lên tiếng, ông Trịnh Ngọc Chung mới ngược thời gian ban hành Quyết định đình chỉ THA để làm “tròn” hồ sơ?

Chưa kể, theo ông Chung cung cấp, nội dung của Quyết định đình chỉ THA đó còn mang tính “đình chỉ như không đình chỉ” “có cũng như không”, đó là: đình chỉ thi hành khoản: Công ty TNHH Bắc Sơn phải thanh toán số tiền 25.547.337.500 đồng trả Ngân hàng Công thương chi nhánh quận Cầu Giấy và 13.000.000 đồng án phí.

Quyết định Giám đốc thẩm số18/2010/KDTM-GĐT đã tuyên hủy toàn bộ vụ án liên quan đến 194 phố Huế (chứ không phải tuyên hủy một phần), nên Cơ quan THA phải ban hành Quyết định đình chỉ THA đối với toàn bộ vụ án. Nhưng, lại một lần nữa những người thực thi pháp luật đã “hợp thức hóa” hành vi của mình bằng phương án đình chỉ một phần bản án đã tuyên hủy toàn bộ, còn phần cưỡng chế vẫn ngang nhiên tiến hành vì không bị… đình chỉ THA.

Mặt khác, phải khẳng đình rằng quá trình thi hành án là một thể thống nhất, việc kê biên thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế là nhằm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng Công thương chi nhánh quận Cầu Giấy. Việc đình chỉ thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà không đình chỉ cưỡng chế để trả nợ thì việc đình chỉ là nhằm mục đích gì?

Người dân biết xoay sở vào đâu khi bị chính Cơ quan Thi hành án sử dụng luật pháp một cách quá “linh hoạt” như vậy?

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã vào cuộc để điều tra những dấu hiệu sai phạm của Cơ quan THA quận Hai Bà Trưng trong vụ án này.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên khi có diễn biến mới.

Vũ Văn Tiến