Bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

(Dân trí)-Trước loạt bài phản ánh việc bà Trần Thị Liên, 84 tuổi đi gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sỹ cho con trai mình đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Dưới đây, tòa soạn xin được giới thiệu bức tâm thư của người mẹ già này.

Kính gửi Bà Phạm Thị Hải Chuyền

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội!

Tôi là Trần Thị Liên, 84 tuổi, bộ đội chống Pháp, trú tại tổ 5, phường Cầu Thia, TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Là mẹ của Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, cán bộ Công an TX Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tử vong trong khi thi hành nhiệm vụ ngày 4/2/2011.

Lời đầu thư, tôi chúc Bộ trưởng mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.

Tôi rất biết Bộ trưởng bận trăm công nghìn việc, nhưng vì gia đình tôi có nỗi đau không thể nguôi ngoai,  nên đành phiền Bộ trưởng bớt chút thời gian quý báu, xem giùm tôi lá thư ngắn này. Tôi xin đặt niềm hy vọng cuối cùng ở Bộ trưởng, với trình độ và tấm lòng của một người mẹ, tôi tin Bộ trưởng sẽ có những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Thưa Bộ trưởng! Mấy ngày qua, báo điện tử Dân trí đã đăng tải nhiều bài viết về sự việc Thiếu tá Trần Duy Nghĩa - con trai tôi hy sinh khi đang bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 04/02/2011 (tức ngày mùng hai tết Tân Mão), có lẽ Bộ trưởng cũng đã biết.

Hôm ấy, con trai tôi đang ăn dở bữa cơm sum họp ngày Tết với gia đình, thì có điện báo của Chỉ huy Công an phường Trung Tâm - TX Nghĩa Lộ, báo con tôi lên ngay cơ quan để đi bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông có 02 người chết. Con trai tôi đã bỏ dở bát cơm lên đường làm nhiệm vụ, lúc ra khỏi nhà con trai tôi còn hẹn xong việc sẽ về đưa tôi đi chúc Tết hàng xóm. Thế nhưng con tôi đã ra đi mãi mãi không về với gia đình. Nhận tin sét đánh, tôi bị suy tim nặng lên cũng thiếu chút nữa ra đi cùng con.

Tôi nghe đồng đội của con tôi và người dân quanh nơi xảy ra tai nạn kể lại: Khi Thiếu tá Trần Duy Nghĩa đang làm nhiệm vụ phân làn giao thông để các phương tiện tránh xa nơi đồng đội đang khám nghiệm hiện trường, thì có ba người thanh niên say rượu, đi một xe máy tốc độ rất cao, lao thẳng vào vị trí tổ khám nghiệm.

Lúc này có tới 6-7 chiến sỹ công an đang lúi húi đo đạc tìm dấu vết trên đường, nên không ai để ý đến tai hoạ đang đến gần. Nhận thấy nguy cơ tai nạn cho đồng đội mình xảy ra ngay tức khắc, Thiếu tá Nghĩa đã chủ động đi ra đầu gác chắn bảo vệ, giơ đèn pin, gậy chỉ đường báo hiệu nguy hiểm và ra tín hiệu cho phương tiện tránh xa khu vực khám nghiệm, nhưng vì say rượu nên những thanh niên đó đã lao xe thẳng vào Thiếu tá Nghĩa, hất Thiếu tá Nghĩa văng xa 16 m và tử vong tại chỗ.

Đám tang con tôi đã được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các ban ngành đoàn thể của tỉnh, của TX Nghĩa Lộ. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã trực tiếp tổ chức lễ tang trọng thể, phát động công an học tập gương chiến đấu của Thiếu tá Nghĩa. Sự quan tâm của địa phương, của bà con cô bác láng giềng đã giúp tôi gắng gượng để sống.
Công văn đề nghị Bộ LĐTB&XH hoàn thiện thủ tục công nhận liệt sỹ
Công văn đề nghị Bộ LĐTB&XH hoàn thiện thủ tục công nhận liệt sỹ
cho Thiếu tá Trần Duy Nghĩa của Bộ Công an

Nhưng nỗi đau ấy trong tôi và gia đình đã không thể nguôi ngoai, lắng dịu; linh hồn Thiếu tá Nghĩa vẫn chưa thể siêu thoát, khi mà tâm nguyện của gia đình tôi, của đông đảo bà con nhân dân Nghĩa Lộ, của Công an tỉnh Yên Bái, của Bộ Công an, …là sự hy sinh của Thiếu tá Nghĩa được nhà nước ghi nhận xứng đáng bằng tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, vẫn chưa được giải quyết. Thời gian qua, người mẹ già này đã nhiều tháng ngày chống gậy đến kêu các cửa quan, mong tìm sự công bằng cho con.

Với tôi, việc Thiếu tá Nghĩa được công nhận liệt sỹ là niềm động viên lớn lao cuối cùng trong cuộc đời này, là liều thuốc bổ không có gì tốt hơn với tôi lúc sắp về với tổ tiên. Tâm nguyện cuối cùng tôi có thể làm để khi về với đất được thanh thản là đây. Với các con của Thiếu tá Nghĩa, vì tự hào về truyền thống gia đình mà phát triển đúng hướng, khi không còn được sự dạy bảo của bố.

Chồng tôi là bộ đội chống Pháp, nay đã mất, tôi sống cùng vợ chồng em Nghĩa, trông vào đồng lương của em. Hoàn cảnh gia đình Nghĩa rất khó khăn, các con đang tuổi ăn học, vợ Nghĩa không có công ăn việc làm, ngày ngày vẫn phải bươn chải bán từng mớ rau, con cá nơi ngã ba đường, chắt bóp góp vào với lương của Nghĩa để nuôi cả gia đình cùng mẹ già. Nghĩa mất đi, gia đình tôi thật chông chênh, khó khăn chồng chất khó khăn.

Mấy hôm rồi, tôi lại nghe thông tin của cán bộ Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH trả lời báo chí, rằng cái chết của con tôi chưa đủ điều kiện xét là liệt sỹ.

Tôi đã suy sụp hoàn toàn, không thể tin vào tai, vào mắt mình nữa. Bà con dân phố lại đến động viên. Họ bức xúc, nhiều người đã tìm đọc Pháp lệnh ưu đãi người có công và Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh người có công với cách mạng. Nhiều người khẳng định đối chiếu theo các điều kiện để xét công nhận liệt sỹ, thì trường hợp hy sinh của em Nghĩa hoàn toàn xứng đáng.

Lúc này, tôi không biết phải làm gì, đành kêu lên Bộ trưởng đèn trời soi xét.

Tôi đến nay đã ở độ tuổi gần đất xa trời này cầu xin Bộ trưởng, với tấm lòng của một người mẹ, xin Bộ trưởng hãy có những biện pháp cần thiết giúp tôi tìm lại công bằng cho em Nghĩa, cũng là một việc thiện, việc phúc Bộ trưởng tạo cho cuộc đời này.

Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian đọc thư của tôi.

Kính chúc Bộ trưởng và gia đình hạnh phúc, thành công.
Nghĩa Lộ, ngày 13 tháng 8 năm 2012
Kính thư
Trần Thị Liên