“Cái chết” của dấu hỏi

Tiếp “dòng” gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, lần này Joe phát hiện nhiều từ tiếng Anh khi được Việt hóa lại bỏ quên thanh điệu (dấu) mà nhất là các dấu hỏi, ngã, nặng. Những gợi ý giải quyết vấn đề của riêng Joe cũng rất đáng được lưu tâm.

**

 

Thứ 6 tuần trước tôi nói đến việc hệ thống đánh vần của tiếng Việt đang có nguy cơ bị từ tiếng Anh xâm lấn. Bây giờ tôi muốn khai thác thêm một chủ đề liên quan mà tôi bắt đầu mở ở cuối bài trước - Tiếng Việt đang có nguy cơ bị mất dấu trước nhiều từ mượn tiếng Anh!

 

Những từ trước đây mượn của tiếng Hán có đầy đủ 6 dấu: Sắc (thắng), ngã (mã), hỏi (thủy), huyền (quyền), nặng (phật) và không dấu (tham).

 

Những từ giờ đây mượn của tiếng Anh thì không. Đa số để không dấu (dấu ngang). Một số thêm dấu sắc (shock - sốc) hoặc dấu huyền (Pro - pờ rồ). Vài trường hợp thêm dấu nặng (party - pạt ty). Tôi nghĩ hoài chưa ra được một từ mượn của tiếng Anh nào thêm dấu hỏi hay dấu ngã.

 

Bảo vệ thanh điệu

 

“Cái chết” của dấu hỏi - 1


Để giữ ngữ điệu của tiếng Việt tôi nghĩ nên chủ động hơn trong việc thêm dấu vào từ mượn của tiếng Anh.

 

Tìm google, từ “đô-la” có 1.120.000 kết quả. Từ “đồ-la” chỉ có 357.000 kết quả. Khỏi phải nói tôi thích phát âm “đồ-la” hơn – vì có dấu! (Bài này tôi chỉ đề cập đến chuyện phát âm, tạm thời bỏ qua chuyện viết theo phát âm tiếng Việt hay theo hình thức tiếng Anh mà tôi phân tích trong bài trước).

 

Với tư cách là một người từ ngoài nhìn vào, tôi thấy phát âm của từ mượn nếu để không dấu (“la-la-la”) không phù hợp với thanh điệu tiếng Việt. Tôi nghĩ cách thêm dấu vào của tiếng Trung cũng hay, Ca-na-đa thành Cà-na-đà (ví dụ thế).

 

Một người gửi nhận xét tên “Thanh” (thế mới duyên!) không đồng ý.

 

“Em học tiếng Trung rồi thì biết, đôi khi "Việt hóa" hoặc "Trung hóa" tên riêng nước ngoài như thế sẽ khiến người học tiếng Việt hoặc tiếng Trung rất khó nhận biết là cái danh từ ấy chỉ cái gì. Thứ hai nữa, nó khiến cho người trong nước không biết đến sự tồn tại của một anh có tên Ronaldo mà chỉ biết đến anh Rổ-nã-đồ mà thôi, như thế không hòa nhập được với thế giới."

 

Bạn Thanh nói có lý. Nhưng tôi vẫn nghĩ như tôi đã nghĩ – nên thêm dấu vào. Nếu làm tốt người nghe vẫn sẽ hiểu.

 

Kể cả để không dấu (Ha-ri-Po-tơ), phát âm tiếng Việt đã khác với phát âm tiếng Anh rồi. Nhiều nguyên âm và phụ âm tiếng Anh không có trong tiếng Việt, lưỡi của các bạn sẽ rất khó làm được những gì lưỡi của tôi đã làm từ bé (không được cười nhé). Đó là chưa kể đến chuyện trọng âm.


Cái hay của phát âm tiếng Anh là trọng âm. Một từ như “Indonesia” khi chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Việt sẽ bị mất trọng âm ngay, “indo-NE-sia” sẽ trở thành “In-đô-nê-si-a”. Điều đó không tránh được – đơn giản vì tiếng Việt không có trọng âm.

 

Cái hay của phát âm tiếng Việt là thanh điệu – la lá là lả lã lạ

 

Trong trường hợp ngược lại là tiếng Anh mượn từ của tiếng Việt chắc chắn sẽ có hai điều xảy ra: (1) tiếng Anh sẽ bỏ thanh điệu, và (2) tiếng Anh sẽ thêm trọng âm. Cảm ơn sẽ thành cam-ON hoặc CAM-on, không thể chia âm tiết 50/50 như trong tiếng Việt đâu.

 

Khi mượn từ của tiếng Anh, tiếng Việt hay dừng lại ở bước đầu tiên: bỏ trọng âm. Song tiếng Việt hay bỏ qua bước tiếp theo là thêm thanh điệu. Như vậy, đa số từ mượn đang bị kẹt ở giữa hai cách phát âm của hai ngôn ngữ khác nhau, không còn là phát âm của Tây, vẫn chưa phải là phát âm của Ta.

 

Tạm gọi là phát âm của “Tâ”.

 

Có người sẽ nói tiếng Việt thực hiện cả hai bước. Bước đầu tiên là “bỏ trọng âm”; tiếng Việt phải làm. Bước thứ hai là thêm dấu vào; tiếng Việt cũng phải làm (bắt buộc!) kể cả thêm 4 dấu ngang liền vẫn là thêm dấu vào. Tiếng Việt có trường hợp 4 từ (hoặc âm tiết) dấu ngang đi liền với nhau – Cho tôi ăn xôi, linh tinh lung tung, v.v.

 

Theo tôi, thêm 4 dấu ngang liền chưa phải là thực hiện bước hai. Theo tôi, bước hai là phải thêm thanh điệu sao cho phù hợp với ngữ điệu chung.

 

Từ “Kamikaze” khi sang tiếng Việt phát âm là “ca-mi-ca-dê”, 4 dấu ngang liền. (Chọn từ Nhật-Anh cho vui.) Tiếng Việt bình thường ít gặp trường hợp 4 dấu ngang đi liền nhau để miêu tả một cái gì đó cụ thể. “Con chim bay cao” - “cơm rang Sa-pa” những trường hợp đó chắc gồm tỷ lệ nhỏ. Người có tên như “Phan Văn Nam Anh” chắc cũng không nhiều đâu. Đa số trường hợp miêu tả một cái gì đó hoặc người nào đó cụ thể là dùng nhiều loại dấu khác nhau. (Máy bay trực thăng)

 

Không phải phát âm “ca-mi-ca-dê” không được. Quá được thôi. Vấn đề là có quá nhiều từ mượn của tiếng nước ngoài để không dấu như vậy – nếu nói về một chủ đề chuyên môn (pan-a-đôn và pa-ra-si-ta-môn dùng cho si-đa) hoặc xem bóng đá (Uê-ru-ni gặp Van-pơ-si ở Li-vơ-pun…) tiếng Việt chuẩn trở thành tiếng Việt Ba Vì ngay!

 

Pi-da (Pizza), mi-tơ (meter), Ha-ri-po-tơ (Harry Potter)

 

Thêm vài dấu sắc, huyền, nặng có sao đâu? (Nếu là dấu hỏi thì càng thú vị!) Tôi biết ngôn ngữ nào cũng phát triển một cách tự nhiên. Tôi biết tiếng Việt có hệ thống thêm dấu vào từ mượn của tiếng Anh rồi. Những từ như “text” hoặc “net” phải có dấu sắc chẳng hạn; hệ thống yêu cầu như thế.

 

Hệ thống đó khá cố định.

 

Tôi biết một Ủy ban nhà nước không thể thêm dấu vào từ mượn “tùy thích”, như thêm đường vào ly trà đá.

 

Tôi biết nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng cách đây 1.000 năm tiếng Việt đã không có dấu, và trong 1.000 năm tới tiếng Việt sẽ mất hết cả 6 dấu đang có. Tôi biết 80% nội dung bài blog này là nói bóng nói gió.

 

Thành lập một Ủy ban bảo vệ ngôn ngữ sẽ không hiệu quả lắm (trừ trường hợp liên quan đến cách đánh vân). Tôi không biết vì sao tôi đề nghị làm thế. Chắc đơn giản tôi không thích sự thay đổi.

 

Nhưng, nhưng… rõ ràng quá trình thêm dấu vào các từ mượn từ tiếng nước ngoài có thể thành công được! “Cà-phê” là một sự thành công lớn chứ. Ít ai sẽ nói “Ca-phê” nghe hay hơn “Cà-phê”.Rồi là “xì-tin”, “xì-trét”, nhiều ví dụ rất hay. Nhưng tiếng Việt có thể làm hay hơn và nhiều hơn – bây giờ còn quá nhiều từ không dấu đang chui vào. Kể cả thêm vài dấu huyền ở vài nơi thôi là đủ để làm tôi thấy vui đấy!

 

Phải làm sao để “đồ-la” có nhiều kết quả hơn “đô-la”!

 

--

 

Tôi cũng muốn cảm ơn các thầy cô giáo ở khoa Việt Nam học và tiếng Việt thuộc trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội – không có họ thì tôi vẫn viết theo kiểu “Tôi yêu phở”. 

 

Joe