Tướng Phạm Tuân - “Người anh hùng” của “đường cong” Trường Chinh

(Dân trí) - Nếu để con đường “cong cong mềm mại” thì tránh sao khỏi những lời nọ, tiếng kia dù ít, dù nhiều cũng ảnh hưởng đến thanh danh các bác.

Tướng Phạm Tuân – “Người anh hùng” của “đường cong” Trường Chinh
 
Cho đến nay, Trung tướng Phạm Tuân là người Việt Nam duy nhất ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Lần thứ nhất là vào năm 1973, bác là người đầu tiên bắn rơi B52 bằng máy bay  Mic trên bầu trời Hà Nội (năm 1972). Lần thứ hai là vào năm 1980, bác là người Việt Nam và cũng là người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Cùng năm đó, bác được Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Liên Xô phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thế nhưng trong mắt mình và có lẽ trong mắt nhiều người, bác vừa thêm một lần xứng đáng được phong tặng anh hùng trong cách hành xử với đoạn “cong cong” của đường Trường Chinh vừa qua.

Đó là trong bài trả lời phỏng vấn báo Người Đưa tin, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân đã nói một câu giản dị nhưng đầy sự hi sinh vì sự nghiệp chung, vì người dân của một người lính: “Tôi đã chiến đấu suốt đời, ở cương vị không cao nhưng đã được nhân dân biết đến thì mình thêm một tí được cái gì, chiến đấu cả đời có phải được chỗ đó đâu. Lúc chiến đấu chỉ nghĩ làm sao bảo vệ được Tổ quốc chứ đâu có nghĩ đến sau này về tôi được miếng đất này, miếng đất kia”.  

Việc bẻ cong đường có thể do bài toán kinh tế như lời của Sở Qui hoạch Kiến trúc Hà Nội. Cũng có thể việc bẻ cong đường là tránh nhà các bác…

 

Song, việc “bẻ cong” này chắc chắn là không có sự can thiệp của các tướng lĩnh đang ở nơi đây bởi từng là người lính trong chiến tranh, đã từng chấp nhận hi sinh cả tính mạng, cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập tự do và thống nhất đất nước thì chắc chắn không bao giờ các bác có thể làm một việc nhỏ nhoi như thế. Nên có thể khẳng định, con đường bị cong dù vì lý do gì thì cũng không có sự can thiệp của các bác.

 

Tuy nhêin, đứng trước dư luận hiện nay thì vấn đề bây giờ là xử lý như thế nào để vừa “yên dân”, vừa tránh điều tiếng dị nghị?

 

Theo mình, có lẽ không còn cách nào khác lúc này là mong một lần nữa, các bác phải hi sinh. Biết rằng đây là một quyết định vô cùng khó khăn bởi các bác đều đã có tuổi, sau một đời chinh chiến muốn yên ổn tuổi già giờ lại bày chuyện chuyển nhà, chuyển cửa…

 

Thế nhưng nếu để con đường “cong cong mềm mại” thì tránh sao khỏi những lời nọ, tiếng kia dù ít, dù nhiều cũng ảnh hưởng đến thanh danh các bác.

  Và trong lúc “nan giải” này, Anh hùng Phạm Tuân đã lên tiếng: “… mọi sự ưu tiên phải nằm trong chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước còn ngoài chính sách chúng tôi không bao giờ muốn. Tôi được Nhà nước cho thế nào thì hưởng thế ấy chứ đã vào quy hoạch thì ưu tiên cho tôi ở lại bắt người khác đi tôi không hề muốn”. Không đòi hỏi, không công thần, đây là câu nói của một người lính dũng cảm hi sinh lợi ích cá nhân mình vì lợi ích của nhân dân.

Chỉ một câu này thôi, trong trái tim mình, Trung tướng Phạm Tuân mãi mãi xứng đáng là người anh hùng luôn dũng cảm hi sinh lợi ích cá nhân mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.

  Song, trước sự hi sinh cao cả này, có lẽ TP Hà Nội không nên để các bác phải quá thiệt thòi. Hãy vận dụng mọi chính sách có thể để các bác sớm ổn định cuộc sống một cách đàng hoàng nhất, xứng đáng với những gì các bác đã hi sinh vì Tổ quốc. Dù còn khó khăn nhưng chắc chắn Nhân dân, Tổ quốc không bao giờ hẹp hòi đối với những người có công với đất nước, phải không các bạn?

 

 

Bùi Hoàng Tám

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!