Giải mã tiêu cực thi cử đâu phải quá nan giải!

(Dân trí) - Chủ đề clip gian lận thi cử tiếp tục thu hút hàng ngàn ý kiến tranh luận “nảy lửa”, nhất là sau phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh: không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực.

(ảnh chụp từ clip)
"Giúp đỡ" thí sinh (ảnh chụp từ clip)

 

“Đông Ky Sốt made in Bắc Giang”

 

Những tiêu cực trong ngành giáo dục nói riêng và trong nhiều lĩnh vực nói chung ở nước ta hiện nay, có thể nói hầu như ai cũng biết kể cả giới chức và người dân. Nhưng vì sao các nỗ lực "phòng" của chúng ta nhiều mà xem ra vẫn chẳng "chống" được bao nhiêu. Ngược lại các “tệ” này “bệnh” kia vẫn ngày càng gia tăng với nhiều biến tướng phức tạp và khó "trị" hơn?

 

Ấy là bởi hiện tượng thì có mà chứng cứ thường là không, mà muốn có được những chứng cứ xác thực thì theo như nhận định của nhiều độc giả: không vào hàng cọp sao bắt được cọp? Thậm chí còn phải dùng cách "dĩ độc trị độc"...  Để có được dũng khí dám làm những việc "chẳng ai muốn làm" đã chẳng dễ dàng gì trong thời buổi ngày nay,  rồi còn lo sao “đấu tranh rồi tránh đâu” và sẽ đối phó với búa rìu dư luận ra sao khi có người tin thì cũng có người ngờ vực…

 

Nhiều nước trên thế giới có cả một chương trình cùng bộ máy mạnh mẽ nhằm bảo vệ các nhân chứng quan trọng trong cuộc đấu sinh tử phòng chống tội phạm. Nhưng đấy là trong những vụ án lớn ở... xa lắm. Còn ở ta mà cụ thể là trong vụ việc có học sinh ở Bắc Giang liều mình quay clip tố giác những hành vi tiêu cực trong thi cử ngay ở chính ngôi trường của mình, thì dù chuyện đó chẳng có gì mới song có lẽ vì nó đã quá quen thuộc đến độ nhiều người coi “là thường”, thậm chí còn bênh vực thì đúng là… coi chừng!!!

 

Chẳng thế mà không ít bạn đọc cũng như Van Duc phamvanduc@hotmail.com đã thở than thay cho số phận của anh chàng “Đông Ky Sốt made in Bắc Giang”:

 

“Nghe các vị ấy phát biểu mà thấy sợ quá. Vậy ai sẽ chống tiêu cực đây, khi mà cả hội đồng thi & thanh tra thi đều 'nhắm mắt' trước hiện tượng ném phao này? Thôi nhé, hỡi các hiệp sỹ Đông Ky Sốt! Từ nay hãy mặc kệ cối xay gió đi! Hãy tự nhủ rằng: tiêu cực thì rồi sẽ có nhiều biện pháp chống, có nhiều người khác chống, nhưng không phải mình, để khỏi mang vạ vào thân”.

 

Phuong Thieu gia ptg@zmail.com lo xa hơn:

 

“Người tố giác tội phạm cần được đảm bảo an toàn & giữ kín danh tính. Nếu thí sinh quay clip bị trù úm, tôi sẵn sàng nhận em vào trung tâm đào tạo của tôi. Đại học không phải là con đường duy nhất để các em bước vào đời. Các thầy đáng kính ơi, các thầy hãy nhìn lại mình & nhìn lại thực trạng giáo dục của Việt Nam đi. Một phút thôi, xin hãy thật lòng!”

 

Vũ Hà vuha_01@yahoo.com đơn giản hóa vấn đề:

 

“Chuyện bé đừng xé ra to! Tôi thấy việc thí sinh quay clip phòng thi phần nào phản ánh thực tế chuyện thi cử của nước ta. Qua đây các nhà chức trách về giáo dục, các nhà trường nên xem xét lại cung cách quản lí giáo dục và đào tạo của mình. Chứ còn việc cậu học trò quay clip kia, theo tôi chỉ là “nhất quỷ, nhì ma...” mà thôi. Đừng làm to chuyện làm gì, tốn thời gian, giấy mực để bình luận, mà có thể lại gây dư luận xấu trong nhân dân”.

 

Khanh:  nguyenkhanh@yahoo.com.vn gõ tiếp các cánh cửa:

 

“Các anh, chị báo Dân trí, các thầy, cô Hội Khuyến học ơi! Ông Chủ nhiệm nói vậy thì ai sẽ bảo vệ các em học sinh đây? Tôi còn lo là trong tương lai, báo Dân trí và Hội Khuyến học có thể phải đóng cửa mất thôi, vì con em chúng ta ai cũng giỏi hết mà, vì không còn ai phát hiện tiêu cực nữa…”

 

Nguyễn Chiến Thắng ng_mthang@yahoo.com có hẳn một tổng kết khác hẳn với các báo cáo xưa nay rất nhiều màu hồng của ngành giáo dục:

 

“Tôi mong rằng báo Dân trí sẽ bảo vệ và nếu có thể, hãy tuyên dương em thí sinh trên. Tôi nghĩ bây giờ em đang chịu một sức ép rất lớn từ gia đình và các cơ quan liên quan. Vâng, người ta - những người thầy, người cô, rồi bố mẹ, rồi… đều là những người luôn góp phần để nuôi dưỡng một thế hệ trẻ chủ nhân của đất nước theo cách như họ vẫn thường làm. Giờ đây tôi e là họ sẽ cùng tìm cách “trị” em học sinh này.

 

Bố mẹ chắc sẽ mắng: "Sao con dại vậy? Được chép thì chép đi, thi cho nó qua, sao lại làm thế?" Thầy cô, các cán bộ chức năng thì “đe”: "Chống tiêu cực là việc của các cơ quan ,của nhà nước lo, còn việc của em là việc thi và học. Em làm đúng nhưng mà thực tế là sai, em chưa đủ tuổi để hiểu rằng hóa ra việc này được các cơ quan liên quan đồng quan điểm là cho chép? Em dám chống lại thì em sẽ bị phạt nặng!"…

 

Nếu ai ở vị trí của học sinh này, tôi nghĩ mới thấm thía hết cái sự bức xúc khi người ta đánh tráo các khái niệm.  Vâng nếu là bạn, nếu là tôi, ai cũng biết làm thế sẽ là "dở" và chọn cách im lặng. Đáng lẽ em học sinh này cũng chỉ nên vậy, nhưng trước cái sai trái, cái xấu xa được phơi bày một cách công khai, tôi nghĩ chắc em đã không thể làm ngơ. Hẳn em biết mình có thể sẽ bị dừng thi, có thể sẽ không được tốt nghiệp, nhưng em vẫn làm. Tôi hoan nghênh tinh thần của em học sinh ghi lại video clip này.

 

Rõ ràng việc dùng phao thi diễn ra khắp mọi nơi, người ta cho chép thoải mái, thực trạng này năm nào cũng diễn ra. Nơi nào có thanh tra thì vờ làm nghiêm, nhưng thực tế thanh tra đi thì giám thị ra hiệu cho học sinh chép.... Còn về câu nói của ông Đào Trọng Thi: "Chống tiêu cực không được dùng biện pháp tiêu cực"- Tôi thấy rất tệ khi nghe câu này, dẫu nó đúng. Tôi thấy đây là một câu mà lẽ ra ở vị trí của mình, ông Thi không nên nói. Vì ông nói ra rồi thì nhiều người lại nghĩ rằng người ta hình như đang tìm cách bao che cho những điều sai trái trong phòng thi, và lại chỉ hướng đến việc xử lý thí sinh tố cáo. Nếu nói như ông, vậy thì cái sai phạm đã diễn ra không biết bao nhiêu là mùa thi rồi sao mãi chẳng thấy ai xử lý, ông có khẳng định là Bộ sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng cùng cam kết rằng năm sau sẽ không có sai phạm? Hay chăng trong ngành GD đã “ngầm” hiểu với nhau rằng: GD hiện tại có vấn đề, nên thôi cứ tạo điều kiện cho thí sinh… lách?”

 

Nguyễn Mạnh Hưng hungvuidaynay@gmail.com bày tỏ bằng những lời đầy cay đắng:

 

“Không cần ai phải "xin" cho thí sinh kia khỏi bị kỷ luật vì vi phạm quy chế phòng thi, bản thân thí sinh cũng đã tự biết và tự nhận kỷ luật rồi ("em sẽ bị hủy kết quả thi, em sẽ bị cấm thi"... như lời thí sinh nói). Điều đáng nói ở sự việc này là sự dũng cảm của một thí sinh dám đánh đổi kết quả thi của mình để lấy bằng chứng cho mọi người thấy được tiêu cực trong giáo dục". Còn chúng ta, những người lớn, có ai đã dám đánh đổi cái gì của bản thân mình để đẩy lùi tiêu cực??? Tôi nghĩ, với bằng chứng này, nó may ra có thể gióng lên hồi trống ở cửa "thiên đình" (Bộ GDĐT)”
 
(ảnh chụp từ clip)
Thí sinh trường THPT dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam, Bắc Giang) dùng "phao" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 (ảnh chụp từ clip)

 

Im lặng là vàng và “quả chín ép”

 

Cũng có một số ý kiến bày tỏ đồng thuận và ủng hộ quan điểm của ông Đào Trọng Thi, chủ yếu dựa trên cơ sở lý lẽ: phải chấp hành mọi kỷ luật của phòng thi, không thể có ngoại lệ dù với lý do để có bằng chứng chống tiêu cực...

 

Số khác cho rằng làm như thí sinh quay clip này là… vô ơn với các thầy cô đã tạo điều kiện cho học trò, đẩy cả hội đồng thi này nói riêng và nhìn rộng ra là cả ngành giáo dục nói chung vào thế… khó. Bởi chuyện thi cử để lấy tỉ lệ thi đỗ cao ngất ngưởng, để giữ vững thành tích cũ và lập thành tích mới từ lâu dường như đã được ngầm chấp thuận rồi?

 

Vậy nên bao bài học hay người lớn và các thầy cô dạy cho học sinh, cuối cùng có lẽ vẫn có thể tóm lược trong một chân lý mà nhiều người lớn chúng ta cũng đã tự rút ra: Một sự nhịn là chín sự lành (nói cách khác, đó là luôn cần biết: Im lặng là vàng! Đừng nên bức xúc).

 

Jojo ca_phe_trung_vaanh@yahoo.com đưa ra lý giải thay cho người trong cuộc:

 

“Đối với những học sinh cấp 3, bức xúc trước những tiêu cực thì có lẽ cũng chẳng còn nghĩ ra cách gì ngoài quay clip như vậy. Còn báo cáo trước khi thi á? Vô ích, lúc ấy chẳng ai tin, chẳng ai để tâm, hoặc cố tình làm lơ, ém nhẹm đi. Có khi còn bị giám sát ngăn không cho làm gì ấy chứ. Mà làm gì có chuyện chỉ có vài trường hợp vi phạm như vậy, chuyện như cơm bữa ấy mà. Nếu xử lí vi phạm, chỉ thấy thật tội nghiệp cho em học sinh quay clip, sau này thì ai mà dám quay gì nữa. Học sinh Việt Nam và cả các bậc phụ huynh nói chung lúc nào chẳng sợ bị cấm đoán ảnh hưởng đến tương lai con em chúng ta !!!! Thế này có khác gì ủng hộ cho thuyết "im lặng là vàng" chứ!!!”

 

Đức Trung hacphitientu@gmail.com nêu rõ sự không cân sức trong “cuộc đấu” này:

 

“Mình đồng ý với ý kiến của nhiều bạn. Nói thật chứ ngoài cách ‘tiêu cực’ ấy ra thì cũng chẳng có cách nào khác cả, vì đơn giản là sự tiêu cực đã có hẳn 1 'hệ thống' trong ngành mà 1 vài cá nhân không thể phá đổ hệ thống này được. Mình nghĩ, sự tiêu cực của em học sinh quay clip chỉ là thể hiện sự bất lực của bộ phận nhỏ trong sạch mà thôi, vì thật sự là HỌ KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC”.

 

Nick Khó hiểu zeruzeru_kute@yahoo.com.vn vận dụng bài học thực tế:

 

“Không vào hang cọp sao bắt được cọp? Một mình em đó thi xong ra đường gào lên có tiêu cực gian lận trong phòng thi, như thế thì có ai tin cho không? Câu trả lời là: em ấy sẽ bị trù dập vì… tung tin đồn nhảm. Nói như Chủ nhiệm thì chả ai dám lên tiếng trước hành động tiêu cực trắng trợn nữa cả? Đề văn thì nói về " Thói dối trá", thế mà ngay trong kỳ thi này đã thấy dối trá rành rành? Thử đặt vào trường hợp con em mình vì quá bức xúc (hoặc dù lý do nào khác) mà phải quay clip, thì Chủ nhiệm nghĩ có nên nói vậy không khi ông suy nghĩ cho cả gia đình và bản thân em ấy?... Tốt nghiệp đối với một học sinh loại khá là chuyện dễ như trở bàn tay, nhưng nếu vì chuyện này mà không thể được tốt nghiệp thì có thể tất cả con đường học hành sẽ bị đóng lại trước học sinh đó...”

 

Trần Lâm viencnc1@gmail.com kể về hiện tượng “quả chín ép” trong lĩnh vực học đường hôm nay:

 

“Trời ạ, ở địa điểm thi nào chả thế? Các bạn có tin rằng các học sinh học lớp 12 rồi mà còn nhiều bạn không thuộc bảng cửu chương, không biết quy đồng phân số không? Tôi biết vì tôi có mấy em con chú cũng thi năm nay, trường còn để sẵn một máy photo in đáp án ra cho các em chép bài. Bộ GDĐT làm thế này chẳng khác nào ép bằng được các em đỗ tốt nghiệp với thành tích cao. Thế nào một thời gian nữa chúng ta chẳng ca ngợi rằng tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99%, chất lượng giáo dục được tăng cường. Vậy Bộ GDĐT có biết ép bằng được các em ra trường nhưng không có kiến thức căn bản trong tay, rồi các em đó sẽ làm gì  hay lại là thêm gánh nặng cho xã hội? Tôi mong rằng thế nào rồi chúng ta cũng phải có giải pháp cho tình trạng không thể chấp nhận được này. Tôi thấy ở các nước văn minh thì việc thi cử là đều rất khó khăn, nhờ vậy mà tạo nên được chất lượng và thương hiệu. Còn ta thì.... Buồn lắm!”

 

Hoàng Tam nhoveem21112004@yahoo.com.vn giải thích về phương châm “Im lặng là đỉnh cao của sự khôn ngoan” được rút ra cho phản hồi của mình:

 

“Nói thẳng ra là chắc chắn trong các kỳ thi tốt nghiệp PTTH sẽ có tiêu cực, song các vị có "chức sắc" có muốn DIỆT thẳng tay hay không thôi. Ví dụ như chỉ cần biện pháp đơn giản mà lại hợp pháp là dùng chính lực lượng CA cài vào các hội đồng thi là lật tẩy được hết. Vừa đúng người, đúng nhiệm vụ chức năng và đúng cả luật nữa.

 

Nhưng tôi thấy hình như các vị chỉ hô hào mà không chịu làm thật, nên người dân thường bức xúc quá  (ở đây là 1 học sinh) mới phải dùng "mưu kế" như vậy, cũng là để cho xã hội thấy thực chất của việc thi tốt nghiệp nó đang diễn ra như thế nào thôi. Nếu quay lại mấy năm về trước khi còn là học sinh, tôi đã không làm giống như học sinh kia. Tôi sẽ nhắm mắt cho qua vì biết chắc 1 mình sẽ không thể làm cho gần 1 triệu học sinh cùng hàng trăm ngàn giáo viên và xã hội thay đổi được suy nghĩ về "thành tích". Và cuối cùng mình sẽ lại là một "kẻ" thí mạng nữa mà thôi...”

 

Học đường đúng nghĩa cho Thầy và Trò

 

Chiếm tỉ lệ khá cao trong các phản hồi của bạn đọc, đa số ý kiến của cả thầy và trò trên khắp cả nước đều khẳng định mong ước nền giáo dục nước nhà thật sự trong sạch, lành mạnh, xứng đáng là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Và cũng để đem lại một thương hiệu có chất lượng cao cho ngành GD nước nhà.

 

“Trước tiên tôi thấy xấu hổ và có lỗi vô cùng với các em học sinh vì những điều như thế này…. Hành vi không quyết định, mục đích mới là cái quyết định anh là người thế nào.... Không có em ấy thì sẽ có em khác làm vậy thôi và chắc chắn nền giáo dục nước nhà không thể mãi thế này được. Tôi không muốn là người dối trá. Nhưng tôi thấy thế hệ con cháu tôi đang đứng trước nguy cơ lớn quá, mọi người có biết đó là nguy cơ gì không?” -  Tôi là giáo viên:  mydaily@yahoo.com

 

“Tôi cũng là một giáo viên ở Thủ đô. Tôi xin có ý kiến của mình như sau:

 

1. Tôi rất đồng tình với quan điểm của ông ĐÀO TRỌNG THI: việc nào đi việc đó, không để chuyện tiêu cực để chống lại tiêu cực được.

 

2. Chúng ta cần  xử lý nghiêm người đã mang các vật dụng trái quy định vào phòng thi.

 

3.  Chúng ta cần phải xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc về sự việc này, rút ra những kinh nghiệm cần thiết.

 

4. Theo đoạn clip này, chúng ta tìm hiểu và xử lý nghiêm cán bộ coi thi vì đã vi phạm quy định thi cử...” – Minh TuanSP: minhtuan_sp@yahoo,com.vn

 

“Tôi vốn là một giáo viên PTTH, từng coi và chấm thi tốt nghiệp PTTH 3, 4 kỳ thi. Thực tình mà nói thì việc tiêu cực trong thi tốt nghiệp đã trở thành vấn nạn từ lâu rồi: lúc thi thì dùng phao và quay cóp, lúc chấm bài thì… đành làm ngơ thôi vì một phòng thi chủ yếu chỉ cần chấm một hai bài, còn lại là các bản sao của nhau. Thực trạng đau lòng và nhức nhối này tôi tin là tất cả giáo viên đã từng dạy học, coi và chấm thi đều biết, các em học sinh và phụ huynh đều biết và các nhà quản lý giáo dục cũng ít nhiều biết được. Có điều lạ là tại sao vấn đề này vẫn cứ tồn tại hết năm này qua năm khác và ngày càng trầm trọng hơn? Những điều tôi nói trên đây nếu muốn kiểm chứng rất dễ. Tôi tin các nhà quản lý giáo dục bất kỳ ở cấp độ nào nếu muốn biết sự thật này đều có thể dễ dàng kiểm chứng.
 
Theo tôi, để giải quyết tình trạng này chúng ta phải triệt để tuyên chiến với chủ  nghĩa hình thức mà đại diện ở đây là chủ nghĩa thành tích. Cái "lợi" trước mắt là thành tích cho ngành giáo dục, cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh. Nhưng sẽ mang đến cái hại rất nguy hiểm và lâu dài cho chính họ và xã hội, bởi sự ngộ nhận và lẫn lộn các giá trị khoa học, văn hóa và đạo đức của mỗi con người mà nói rộng ra có thể là của cả dân tộc… Tôi nêu thực trạng này không nhằm phê phán ai, mà chỉ muốn ngành giáo dục cần là người khởi xướng có tâm huyết thực sự mới có hy vọng để giải quyết được những tiêu cực này” - Đỗ Đình Tự:  dodinhtu62@yahoo.com.vn

 

“Tôi là một giáo viên, quy định trong thi cử tôi cũng biết. Trong trường hợp này theo tôi nên kỷ luật cả 2 bên. Dựa vào video để xem giám thị nào vi phạm mà kỷ luật. Còn em thí sinh đem bút quay vào phòng là sai quy chế trầm trọng. Có 1 số comment nói rằng em đó không đem bút quay thì có ai dám tố cáo tiêu cực? Vậy tôi hỏi các bạn phòng thi 25 em chẳng hạn, 25 em đều có tinh thần "chống tiêu cực" và cùng đem bút quay bí mật vào phòng thi thì sẽ ra sao?!!” -  Phan Hưng: anhyeuem.hinhnhuemkhongyeuanh@yahoo.com

 

“Mình sinh năm 1991. Năm mình thi có lẽ là năm nghiêm túc nhất, mặc dù khó khăn nhưng vì biết là nghiêm túc nên bọn mình đều cố gắng. Năm nay đứa em mình thi, nó nói thầy cô dặn 20 phút đầu giờ đừng mở tài liệu, còn sau đấy thì làm gì thì làm. Việc các thầy cô cắm chốt tại trường để làm bài và ném cho thí sinh thấy nhan nhản, chứ đâu chỉ ở Bắc Giang. Nếu đã không thể thực hiện nghiêm túc thì tổ chức thi tốt nghiệp làm gì cho tốn tiền thuế của nhân dân nhỉ? Ai học được thì thi đại học mà tiếp tục, còn không đủ khả năng thì ít nhất cũng nên có được tấm bằng phổ thông mà đi xin việc chứ, mình nghĩ vậy không biết có đúng không?” - Minh Nguyen:  tuyetthang4_1591@gmail.com

 

“Buồn cho nền giáo dục VN. Là 1 sinh viên của 1 trường ĐH có tiếng, mình thấy bác Đào Trọng Thi  nói quá vô lý. Dường như bác ấy đang “đe” trừng phạt cậu bé khốn khổ đó. Nhưng thử hỏi nếu không mang bút quay vào để phanh phui thì đến bao giờ bác Đào Trọng Thi  cùng các giới chức ngành GD mới thấy được những cái tiêu cực của nền GD nước ta. Để rồi mỗi lần tổng kết cuối năm lại khoe cái mác thành tích nào là hoàn thành chỉ tiêu chống tiêu cực trong thi cử, tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp THPT cao hơn năm ngoái...... Mà chắc cũng không ít người nghĩ người quay clipđó là 1 học sinh dại dột? Thế thì buồn quá!” - Phùng Quang Pháp:  105110290@sv.dut.edu

 

“Em hoàn toàn ủng hộ em học sinh đó vì thấy bạn ấy rất dũng cảm. Ông Thi nói thì nghe có vẻ rất hay, rất đúng nhưng có lẽ đó chỉ là trên lý thuyết mà thôi. Thực tế là cảnh gian lận trong clip đó không chỉ diễn ra ở 1 trường, mà rất phổ biến trên hầu khắp cả nước. Em cũng từng là 1 học sinh, giờ là sinh viên nên em cũng hiểu hết các thực tế của ngành giáo dục với căn bệnh thành tích vẫn chưa thể xóa bỏ mà ngày càng nặng hơn. Ông Thi nói thế, em nghĩ có lẽ lại chỉ là biện hộ cho những người trong ngành giáo dục thôi” - Vu Thi Hue:  huevtm90@gmail.com

 

“Thưa ông Thi! Tôi là sinh viên năm thứ 4 rồi, nhưng cảm thấy bài trả lời của ông thiếu thuyết phục! Thứ nhất : nếu thí sinh không đưa video này lên mạng thì chúng ta lại có nhận xét là: một kì thi thành công? Nhưng chính đó cũng là bệnh thành tích của cả ngành giáo dục đấy. Thứ hai : Thi tốt nghiệp thì không chắc chỉ có trường nêu trên có tiêu cực đâu. Mong các ông, ban khảo thí và kiểm định chất lượng hãy hòa mình vào thế giới của các trường để nắm bắt đúng thực trạng tình hình thi cử, không nên lúc nào cũng nói: Một kì thi tốt nghiệp thành công, an toàn…”- Vũ Văn Toàn:  vutoanhvbcvt@gmail.com

 

“Thưa ông Đào Trọng Thi. Cháu năm nay đã học đến năm thứ thứ 4 ĐH, cháu thấy chuyện gian lận như trong clip không phải là hiếm. Nên theo cháu, em học sinh này dám đứng lên tố giác là hoàn toàn đáng khen ngợi. Việc có hay không chuyện xử phạt hành vi mang camera vào phòng thi, cháu muốn nêu 2 lý do để xem xét: Thứ nhất, ngoài cách  ghi lại clip thì không còn cách thứ 2 nào để tố cáo hành vi gian lận tại hội đồng thi BG. Thứ 2 : có bao nhiêu người  mang camera vào phòng thi, liệu hội đồng thi có quản lý được hết? Nếu chỉ xử phạt 1 mình em đó thì liệu có tác dụng răn đe với người dám tố cáo hay người có ý định gian lận không???” - Lê Thành Lơn:  svnlbqcb40@gmail.com
 
(ảnh chụp từ clip)
Chiếc bút được học sinh dùng ghi lại hình ảnh nhốn nháo trong phòng thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại hội đồng trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (ảnh: VietnamNet)

 

Giải pháp công nghệ

 

Đồng thời, độc giả cũng đề xuất thêm những biện pháp chống tiêu cực trong thi cử xem ra chắc cũng không phải là không làm được.

 

“Nếu Bộ GD-ĐT muốn chống tiêu cực trong thi cử thật sự thì mỗi phòng thi nên gắn camera theo dõi hoạt động của giám thị và thí sinh ngay tại phòng thi” -  Phan Huu Doan:  phanhuudoan@gmail.com

 

“Công nghệ giờ hiện đại như vậy tại sao chúng ta không dùng máy móc ghi lại hình ảnh làm bài của các thí sinh. Chỉ cần nhà nước đầu tư vài tỷ cho hệ thống công nghệ camera IP dùng sóng WIFI giám sát, thì dù thi tốt nghiệp THPT hay thi cao đẳng, đại học hay thi bất cứ một cái gì cũng không phải lo tiêu cực. Bởi nếu có tiêu cực chúng ta có thể ghi lại làm bằng chứng. Hệ thống camera này dùng còn về lâu về dài cơ mà. Mất bao nhiêu tiền cho hệ thống giám thị, thanh tra mà không làm được việc vậy có phải là phí tiền không?” - Thật: thatdt2k2haui@gmail.com

 

“Theo tôi nghĩ nên trang bị cho các phòng thi những camera theo dõi, vừa có thể giám sát được thí sinh vừa giám sát được giám thị coi thi. Thi xong xem lại băng hình, nếu phát hiện biểu hiện tiêu cực của thí sinh và giám thị coi thi thì sẽ có cơ sở để đưa ra những hình thức kỷ luật xác đáng” -  Phạm Hoài Nam:  namphbsr@gmail.com

 

Việc khó đến đâu nếu có quyết tâm chắc đều tìm ra giải pháp, nhưng vì sao lình xình mãi mà bao bài toán khó vẫn chưa có được lời giải? Chìa khóa giải mã chắc chắn lại nằm trong tay ngành giáo dục rồi, nhưng “bẻ khóa” được thì thu nhập của nhiều thầy cô và giới chức trong ngành sẽ… trông vào đâu??? Đó mới là chuyện nan giải nhưng là với chính những người trong cuộc.

 

Khánh Tùng