1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao thu nhập, chất lượng lao động vùng ĐBSCL thấp?

Phạm Tâm

(Dân trí) - Lao động ở ĐBSCL hiện phần lớn chưa qua đào tạo. Chỉ khoảng 7% trên tổng số dân ở bậc đại học, so với cả nước là 63%, cho thấy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực rất thấp - GS.TS Hà Thanh Toàn đánh giá.

Chiều 30/10, Ðại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) năm 2022, với chủ đề "Khoa học và công nghệ - Ðộng lực cho đổi mới và phát triển bền vững".

Tham dự sự kiện có ông Huỳnh Thành Ðạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Duy Ðông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư; ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; cùng lãnh đạo các cơ quan hợp tác quốc tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế...

Vì sao thu nhập, chất lượng lao động vùng ĐBSCL thấp? - 1

Quang cảnh diễn đàn (Ảnh: HT).

Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, cho biết: Tại Hội nghị Phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu lần thứ 3 vào năm 2021 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng đã giao Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn đối thoại khoa học phát triển bền vững ÐBSCL, tầm nhìn 2045. Trên cơ sở đó, Trường đề xuất và chủ trì "Diễn đàn Phát triển bền vững ÐBSCL - Tầm nhìn 2045" (SDMD 2045).

Trong lần đầu tiên này, SDMD 2022 chọn chủ đề "Khoa học và công nghệ - Ðộng lực cho đổi mới và phát triển bền vững". Với nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, Đại học Cần Thơ cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ÐBSCL.

Phần lớn chưa qua đào tạo

Trong bài phát biểu của mình GS.TS  Hà Thanh Toàn, cho biết ĐBSCL với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số 13 tỉnh thành, khoảng 18 triệu dân. Diện tích canh tác chủ yếu là lúa và thủy sản chiếm 30% quốc gia, trong đó lúa chiếm 50%  nhưng 90% sản lượng gạo xuất khẩu từ Đồng bằng. Trước đây, ĐBSCL đóng góp 25% GDP cả nước, thời gian gần đây do "đi rất chậm" nên vùng chỉ còn đóng góp khoảng 18% GDP cả nước.

Vì sao thu nhập, chất lượng lao động vùng ĐBSCL thấp? - 2

GS.TS Hà Thanh Toàn- Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn chiều 30/10 (Ảnh:HT).

Theo GS.TS Toàn, thực trạng lao động ĐBSCL hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo. Chỉ khoảng 7% trên tổng số dân ở bậc đại học, so với cả nước là 63%, qua đó cho thấy vấn đề đào tạo và trình độ nguồn nhân lực của ĐBSCL rất thấp.

Bên cạnh đó, có một sự dịch chuyển lớn. Vừa rồi khi xảy ra dịch Covid-19, khoảng 1,3 triệu người ở các khu công nghiệp Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Long An di chuyển trở về ĐBSCL. Điều đó chứng tỏ lực lượng lao động ở đây không có "đất" để phát triển. Sự dịch chuyển lao động cũng là vấn đề gây khó khăn cho chính ĐBSCL. 

Như vậy có thể đánh giá, nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL kém về chất lượng, rất khó khăn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tương tự, quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đô thị hóa ở ĐBSCL phát triển khá nhanh, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo, huấn luyện bài bản, có tay nghề, có bằng cấp cũng là vấn đề khó khăn.

Các yếu tố về sinh thái, xã hội, thu nhập hạn chế cũng đóng góp cho nguồn nhân lực hạn chế của ĐBSCL. 

Theo giáo sư Hà Thanh Toàn, đến năm 2000, Đại học Cần Thơ là trường đại học duy nhất của vùng ĐBSCL. Nhưng từ năm 2000 đến nay có thêm hơn 10 trường đại học mới được thành lập trong vùng, điều đó cho thấy các trường cao đẳng, đại học thành lập mới nhiều nhưng nguồn nhân lực các trường này còn yếu, chưa thu hút được người đi học, dẫn tới nguồn tốt nghiệp cũng có hạn chế về chất lượng.

Ông Toàn cũng lý giải: "Có thể một bộ phận nhỏ ở ĐBSCL, do thiên nhiên ưu đãi nên nhiều người ở nông thôn cũng chưa quan tâm tới vấn đề học hành. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân ĐBSCL còn thấp nên hạn chế trong vấn đề con em đi học. Rồi nhiều tâm lý, tập quán cũng dẫn tới việc đi học của con em còn hạn chế.

Tuy nhiên, thời gian gần đây hiểu được nhu cầu của quá trình hội nhập, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đẩy mạnh vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung", ông Toàn nói.

80 công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới, ông Toàn đã đề xuất một số giải pháp.

Về mặt giáo dục - đào tạo, phải đổi mới chương trình đào tạo thích ứng trong điều kiện mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, với vấn đề hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin. 

Tiếp đến là đào tạo, phân luồng, vì hiện nay phân luồng đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học chưa hiệu quả. Ngoài ra, nguồn nhân lực đã tốt nghiệp một thời gian khá dài cần đào tạo lại để nâng cao trình độ, đáp ứng điều kiện mới.

Bên cạnh đó, nhân sự các cấp đòi hỏi phải có sự phân cấp rõ ràng để đào tạo có hiệu quả tốt nhất, đây là cơ sở để phát triển nguồn chất lượng cao.

Theo hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL đòi hỏi sự đổi mới về mặt khoa học công nghệ, xây dựng các danh mục sản phẩm khoa học công nghệ.

GS.TS  Hà Thanh Toàn nhấn mạnh, Đại học Cần Thơ hiện có 80 công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nghiên cứu lại. Trường chuyển giao một cách thuận lợi để doanh nghiệp có thể ứng dụng phát triển sản phẩm của mình.