Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Cao tốc Bắc - Nam: Từ đại lộ kỳ vọng đại phú

Ngày đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam.

12 dự án này có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h, đi qua 15 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km. Đây là nhiệm vụ khó khăn, song Thủ tướng tin tưởng "chúng ta sẽ làm được" và đòi hỏi đặt ra là "phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả".

Các tuyến cao tốc khi được hoàn thành sẽ có vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.

Đó là ở góc độ vĩ mô, còn với mỗi người thì chắc chắn là ai cũng mong mỏi đất nước có thêm những tuyến cao tốc để đi lại, giao thương thuận lợi hơn.

Cao tốc Bắc - Nam: Từ đại lộ kỳ vọng đại phú - 1

Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tuần rồi tôi có chuyến công tác, phải đi xe từ Hà Nội đến thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Là người miền Tây, không quen với các tuyến đường giao thông phía Bắc nên tôi phải dò trên bản đồ và hỏi người quen, họ nói đoạn đường đó khoảng 200 km. Tôi nghĩ bụng, chắc cũng phải mất gần nửa ngày ngồi xe ê ẩm mình mẩy mới tới nơi. Không ngờ, xe chạy bon bon chỉ hơn 3 tiếng là đến. Khi xuống xe, tôi còn hỏi lại tài xế có phải đã đến nơi hay chưa, sao nhanh quá vậy. Chú tài xế cười bảo đến nơi rồi, vì xe toàn chạy trên đường cao tốc láng mượt, rộng thênh thang nên nhanh lắm.

Thời gian qua, người dân miền Tây rất phấn khởi khi Chính phủ đã quan tâm đầu tư hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có thể kể đến như cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận (dài 23km) khởi công hồi tháng 1/2021; dự án mở tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (dài 188km)… Và với tuyến cao tốc Bắc Nam đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng là tin vui đối với người dân cả nước, trong đó có người miền Tây.

Từ miền Tây lên TPHCM hiện chỉ có hai đoạn cao tốc chính là Mỹ Thuận - Trung Lương và Trung Lương - TPHCM, đều đã quá tải. Các tuyến đường quốc lộ hay tỉnh lộ kết nối miền Tây với TPHCM phần lớn nhỏ hẹp, xuống cấp trong khi lưu lượng xe cộ rất đông. Trước đây người Miền Tây ngán ngại đi xa vì cách trở đò giang. Bây giờ đa số các con sông lớn đã được bắc cầu kết nối, nhưng để giao thương thực sự thuận lợi thì vẫn cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng đường bộ, nhất là đường cao tốc.  

12 dự án cao tốc Bắc - Nam khởi công đồng loạt mang đến khí thế cho ngày đầu năm mới. Mong rằng khí thế này sẽ được duy trì không chỉ trong năm nay mà suốt cả quá trình thi công để tuyến cao tốc xuyên Việt về đích sớm và đảm bảo chất lượng. Muốn được như vậy, thiết nghĩ đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giao thông mà cần sự chung tay của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương và vì sự phát triển của đất nước.

Một thực tế mà nhiều người dân băn khoăn, đó là vấn đề thi công chậm và hiện tượng xuống cấp của một số đoạn tuyến cao tốc hiện hữu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với các cơ quan, đơn vị liên quan là phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng: "Đảm bảo tiến độ, không tăng mức đầu tư, đội vốn. Đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Không để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Tinh thần đã nói là phải làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải có hiệu quả… Phải tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực…".

Đại lộ sinh đại phú. Một dải cao tốc xuyên suốt dọc dài đất nước từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau đang dần thành hình, sẽ là động lực bứt phát cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!