DNews

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc

Thúy Diễm

(Dân trí) - Từng có ý định phải bỏ học khi hoàn cảnh gia đình bế tắc, nhưng nữ sinh nghèo tại Đắk Lắk đã được bạn đọc báo Dân trí hiện thực hóa mong ước vào đại học.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc

Cuộc sống từng rơi vào bế tắc

Chúng tôi gặp lại Trần Thị Thu Trinh (20 tuổi) trong một ngày nắng tháng 4 tại Trường Đại học Tây Nguyên, cô nữ sinh với nước da bánh mật, luôn gây ấn tượng cho người đối diện bởi nụ cười tươi. Thu Trinh nay là sinh viên năm thứ 2 Khoa Kinh tế của Trường Đại học Tây Nguyên.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 1

Nữ sinh nghèo ngày ấy nay đã trở thành sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Tây Nguyên (Ảnh: Thúy Diễm).

Mở đầu câu chuyện, Thu Trinh khoe: "Bố em được phẫu thuật chân đến nay đỡ rất nhiều, sức khỏe tốt lên nhiều lắm. Căn bệnh trầm cảm của mẹ em cũng không còn nữa, mẹ đã tự trồng rau mang ra chợ bán. Em hạnh phúc lắm chị ạ".

Thu Trinh nói, gần 2 năm trước nếu không có bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ, không biết cuộc đời em sẽ đi về đâu. Thời điểm ấy, Thu Trinh vừa tốt nghiệp THPT tại huyện Krông Pắk, với số điểm thi cao nhưng em rơi vào mớ hỗn độn khi gia cảnh quá khó khăn, bố mẹ mắc nhiều bệnh tật. Nhà neo người, không ai chăm sóc bố mẹ và cũng không có tiền mua thuốc.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 2
Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 3

Bố Thu Trinh bị hoại tử ở chân, phải nhập viện và cắt cụt dần cả 2 chân, căn bệnh cần rất nhiều chi phí để điều trị, níu giữ mạng sống. Riêng người mẹ bị trầm cảm sau đợt kinh doanh thua lỗ nặng nên cả ngày chỉ lầm lũi ngồi trong phòng tối một mình, không dám bước ra khỏi nhà.

Thời điểm đó, Thu Trinh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhận giấy báo trúng tuyển đại học với số điểm khá cao nhưng lòng dạ em ngổn ngang nỗi buồn. Thu Trinh khao khát được đến trường nhưng gia đình rơi vào bế tắc, mọi nguồn chi tiêu đều trông chờ vào người anh trai lao động tự do ở TPHCM.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 4

Thu Trinh từng nghĩ bản thân sẽ phải gác lại con đường vào đại học, do hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn (Ảnh: Thúy Diễm).

Số tiền lao động của anh trai Thu Trinh kiếm được gửi về chỉ trang trải được một phần sinh hoạt phí, không đủ để mua thuốc thang cho bố mẹ, chứ chưa dám mơ đến việc phẫu thuật chân cho người bố.

Nhìn vết thương mỗi ngày hoại tử nơi chân của bố khi chưa đủ tiền nhập viện, trong khi đó, mẹ trầm cảm chỉ ngồi một chỗ, Thu Trinh đã nghĩ đến việc từ bỏ con đường học tập để xin đi làm công nhân kiếm tiền trang trải cho gia đình.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 5

Với sự giúp đỡ kịp thời từ bạn đọc báo Dân trí, Thu Trinh hạnh phúc khi em có tiền đi học và bố mẹ được điều trị bệnh tật (Ảnh: Thúy Diễm).

Biết được hoàn cảnh của Thu Trinh, một lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắk đã động viên Thu Trinh liên hệ với báo Dân trí để nhận được sự giúp đỡ. Cô gái 18 tuổi đã bẽn lẽn thốt lên qua điện thoại: "Chị ơi! Chị có thể giúp em tiếp tục đi học đại học được không, nhà em khổ quá".

Mong ước của nữ sinh nghèo

Sau khi phóng viên báo Dân trí xác minh, bài viết "Mơ ước vào giảng đường của nữ sinh nghèo có bố bại liệt, mẹ trầm cảm", được đăng tải, bạn đọc đã động viên, ủng hộ cô nữ sinh nghèo số tiền hơn 300 triệu đồng.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 6

Phóng viên báo Dân trí cùng lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên trao tiền giúp đỡ của bạn đọc tới nữ sinh viên Thu Trinh (Ảnh: Trương Nguyễn).

Ngày nhận số tiền, Thu Trinh nước mắt lưng tròng vì xúc động khi bản thân đã trở thành sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên, bố mẹ đã được chữa trị, chiến thắng bệnh tật nhờ tình yêu thương của những người xa lạ mà em chưa từng biết mặt, biết tên, từ những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc báo Dân trí.

"Em bất ngờ lắm khi nhận hơn 300 triệu đồng từ báo Dân trí, số tiền này quá lớn với em và gia đình, vì có nằm mơ em cũng không dám nghĩ sẽ nhận được số tiền này. Vẫn còn dư trên 200 triệu đồng, em đã làm sổ tiết kiệm, sau này em sẽ sửa nhà cho bố mẹ và để chăm lo cho sức khỏe bố mẹ khi về già", Thu Trinh chia sẻ.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 7

Thu Trinh vẫn miệt mài nỗ lực trên con đường học tập, đặt mục tiêu trong tương lại bản thân sẽ giúp đỡ những học sinh nghèo khổ khác (Ảnh: Thúy Diễm).

Riêng Thu Trinh luôn nỗ lực hết mình và năm nào cũng giành được học bổng của trường. Để có thêm thu nhập, Trinh tranh thủ thời gian rảnh rỗi, đi làm thêm tại một quán cà phê gần trường.

"Trường cách nhà hơn 30km nên em ở ký túc xá giá chỉ hơn 150.000 đồng/tháng, em cũng làm thêm để có chi phí trang trải sinh hoạt phí. Số tiền bạn đọc báo Dân trí ủng hộ, em luôn để dành và sử dụng đúng mục đích, không hoang phí. Món quà nhân ái của báo Dân trí là một dấu ấn đẹp trong cuộc đời, mãi mãi em không quên tấm chân tình này", Thu Trinh xúc động nói.

Nụ cười của nữ sinh nghèo từng rơi vào bế tắc - 8

Nữ sinh luôn biết ơn những người xa lạ mà em không biết mặt, biết tên nhưng có tấm lòng cao đẹp, giúp đỡ em cùng gia đình trong lúc khó khăn nhất (Ảnh: Thúy Diễm).

Trinh cho biết, sau khi hoàn thiện việc học tập ở trường, em sẽ tìm kiếm việc làm để tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ bố mẹ.

Hơn hết, Thu Trinh nung nấu ước mơ khi có công việc ổn định sẽ giúp đỡ lại những em học sinh có hoàn cảnh kém may mắn sẽ được đến trường như mình. 

Bà Trần Thị Thành, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắk cho biết, Thu Trinh là trường hợp rất may mắn, kỳ tích khi được báo Dân trí giúp đỡ kịp thời vào lúc khó khăn nhất, bởi có thời điểm gia đình em phải lo chạy từng bữa ăn chứ chưa dám mơ đến việc chữa bệnh và việc học hành.

"Có được sự hỗ trợ từ bạn đọc báo Dân trí, Thu Trinh mạnh dạn chữa trị bệnh cho người bố vì nếu còn để kéo dài chưa phẫu thuật vết thương sẽ hoại tử rất nguy hiểm, cô gái trẻ cũng lo thuốc thang cho mẹ, sau đó mới an tâm nhập học.

Về phía địa phương chúng tôi rất trân quý tấm lòng của quý báo đã đến với nhiều mảnh đời bất hạnh, trong đó đó trường hợp em Thu Trinh, giúp vượt qua những lúc nguy khốn nhất để có thêm niềm tin vào tương lai phía trước", bà Thành chia sẻ.