1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chân dung Tổng thống Iran thiệt mạng trong tai nạn trực thăng

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Ebrahim Raisi được xem là người có khả năng kế vị ông Ayatollah Ali Khamenei trở thành nhà lãnh đạo tối cao, vị trí chính trị và tôn giáo cao nhất ở Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Chân dung Tổng thống Iran thiệt mạng trong tai nạn trực thăng - 1

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (Ảnh: Reuters).

Ông Ebrahim Raisi, 63 tuổi, một giáo sĩ tôn giáo có đường lối cứng rắn, được bầu làm tổng thống Iran vào năm 2021.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã giám sát chiến lược mở rộng ảnh hưởng của đất nước mình trong khu vực - ủng hộ các nhóm vũ trang ủy nhiệm trên khắp Trung Đông, đẩy nhanh chương trình hạt nhân của đất nước và có lập trường rất cứng rắn với đối thủ "không đội trời chung" Israel.

Nhưng trong cùng thời gian đó, Iran cũng chứng kiến một số cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt quốc tế và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trước vụ tai nạn ngày 19/5, ông Raisi được coi là người có khả năng kế vị ông Ayatollah Ali Khamenei trở thành nhà lãnh đạo tối cao, vị trí chính trị và tôn giáo cao nhất tại Iran.

Xuất thân trong gia đình sùng đạo

Ông Raisi sinh ra ở thành phố Mashhad phía đông vào năm 1960 trong một gia đình sùng đạo và bị cuốn vào cuộc Cách mạng Hồi giáo ở nước này, cuộc cách mạng đã lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1979.

Là một học giả tôn giáo trong chính phủ thần quyền của Iran và là người được nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei bảo hộ, ông Raisi đã thăng tiến trong ngành tư pháp, làm công tố viên ở một số thành phố.

Ông cũng từng giữ chức tổng công tố viên Tehran từ năm 1989 đến năm 1994, phó chánh án Tòa án Tối cao (2004-2014) và sau đó là tổng công tố viên Iran vào năm 2014.

Nhiệm kỳ tổng thống 

Trong nhiệm kỳ nắm quyền của mình, ông đã chứng  kiến đất nước trải qua một phong trào biểu tình chống chính phủ lớn sau cái chết của người phụ nữ trẻ người Kurd có tên Mahsa Amini trong khi bị cảnh sát giam giữ.

Tehran cũng tiếp tục chương trình làm giàu uranium và chương trình tên lửa đạn đạo. Cuộc chiến tranh bóng tối kéo dài nhiều năm với Israel đã nổ ra hồi tháng 4 khi Iran đã phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel để trả đũa vụ tấn công vào một khu phức hợp sứ quán Iran tại Syria.

Cuộc tấn công đó xuất phát từ căng thẳng leo thang giữa hai nước sau khi lực lượng Hamas, vốn được Iran hậu thuẫn, tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 và Tel Aviv đáp trả bằng cuộc tấn công khốc liệt ở Dải Gaza.

Trong cùng thời gian đó, Iran cũng nổi lên là nhà cung cấp máy bay không người lái quân sự nước ngoài đáng tin cậy của Nga. Năm ngoái, Iran đã đạt được thỏa thuận với Ả Rập Xê Út và khôi phục quan hệ ngoại giao.

Thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng

Truyền thông Iran ngày 20/5 đưa tin Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian thiệt mạng sau vụ tai nạn trực thăng một ngày trước đó.

Máy bay chở ông Raisi gặp nạn trên đường trở về nước, sau khi tham dự lễ khánh thành đập Qiz Qalasi ở Azerbaijan cùng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Ngoài ông Raisi, trên máy bay còn 7 người khác bao gồm: Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahmati, đại diện của lãnh đạo tối cao Iran tại tỉnh Đông Azerbaijan, phi công lái chính, phi công phụ lái, trưởng phi hành đoàn, người đứng đầu bộ phận an ninh và một vệ sĩ.

"Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng và tất cả hành khách trên trực thăng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn", một quan chức Iran xác nhận.

Theo các chuyên gia hàng không, sương mù dày đặc, mưa, nhiệt độ thấp có thể là một khả năng dẫn tới vụ tai nạn. Hiện thi thể của ông Raisi và những người đồng hành đã được đưa đến Tabriz.

Phía Iran cho biết sẽ không có sự gián đoạn nào trong hệ thống chính trị nước này dù Tổng thống đã qua đời.

Theo New York Times