1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những vấn đề đặt ra với nước Mỹ sau vụ 11/9

(Dân trí) - Dư luận nói nhiều đến những thách thức Mỹ phải đối mặt 10 năm sau cuộc chiến chống khủng bố, như gánh nặng kinh tế, uy tín giảm sút, an ninh bị đe doạ nghiêm trọng. Dưới đây là những thách thức “bổ sung” danh sách này.

 
 
Những vấn đề đặt ra với nước Mỹ sau vụ 11/9 - 1
Nước Mỹ đối mặt với nhiều thách thức sau sự kiện 11/9.
 

Với Bộ An ninh Nội địa Mỹ

Kể từ sau vụ 11/9, nước Mỹ đã có những thay đổi chưa từng có, mà “điểm nhấn” là chính sách an ninh nội địa và cuộc chiến chống khủng bố phát động trên toàn cầu.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ nằm trong đợt tái cấu trúc cơ cấu chính phủ lớn nhất trong lịch sử đương đại của đất nước này. Cơ quan này ra đời với ý định của chính phủ Mỹ là bằng mọi cách đảm bảo an ninh cho nước Mỹ.

Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ có trách nhiệm hành động quân sự bên ngoài lãnh thổ, Bộ An ninh Nội địa làm việc trong khu vực phạm vi dân sự để bảo vệ Mỹ từ bên trong ra ngoài và bên ngoài bên giới Mỹ. Mục đích của bộ là sẵn sàng ngăn chặn và đối phó với tình trạng khẩn trương nội địa, đặc biệt là với khủng bố.

Với trên 200.000 nhân viên, Bộ Nội An là bộ lớn thứ ba trong chính phủ liên bang sau Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu Chiến binh. Kể từ khi được thành lập năm 2003, Bộ An ninh Nội địa đã thực hiện khoảng 1/2 trong tổng số gần 1.500 đề xuất do các điều tra viên liên bang đưa ra.

Bộ An ninh Nội địa đã tỏ ra là một bộ máy hoạt động hiệu quả trong đảm bảo an ninh nước Mỹ, đã đạt được nhiều bước tiến trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng, kiểm tra hành khách tại các sân bay và đảm bảo an ninh tại biên giới...

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về những khoảng trống đang hiện hữu và những chỉ trích nhằm vào bộ này, cho rằng an ninh Mỹ còn nhiều lỗ hổng.

Vấn đề nữa là khoản chi cho bộ này quả là một gánh nặng với ngân sách Mỹ. Ngân sách năm 2009 của bộ này theo đề xuất của Tổng thống George W. Bush tăng 6,8% so với tài khóa 2008, lên tới 50,5 tỷ USD, năm ngoái là 62 tỷ USD và năm nay là 55 tỷ USD. Song song với việc tăng cường hiệu quả các hoạt động của mình, bộ An ninh Nội địa cũng phải đối mặt với chính sách "thắt lưng buộc bụng" vì các khoản chi tiêu liên bang đang bị cắt giảm.

“Báo bão” từ căn bệnh ung thư

Một cuộc chiến chính trị đang âm ỉ tại Mỹ khi quỹ bồi thường của chính phủ không công nhận ung thư là căn bệnh bị nhiễm phải trong quá trình dọn dẹp đống đổ nát của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).

Một thời được ca ngợi là những anh hùng, đến hôm nay, hàng nghìn người tham gia khắc phục hậu quả vụ 11/9 cho biết họ là nạn nhân của một loạt bệnh tật, từ hen suyễn tới ung thư, vì bị phơi nhiễm từ đống đổ nát độc hại của hai tòa tháp đôi.

Nhiều người trong số những người này cho biết họ bị đất nước "bỏ mặc" trong cuộc chiến chống bệnh ung thư và hoá đơn viện phí tăng cao.

Theo Hiệp hội Fealgood - một tổ chức bào chữa cho những người đầu tiên khắc phục hậu quả vụ 11/9, 1.020 trong tổng số 40.000 công nhân và tình nguyện viên làm việc tại WTC đã chết bởi những biến chứng về sức khỏe; tổng cộng có 345 lính cứu hỏa và 45 cảnh sát chết bởi ung thư.

Theo kết quả một nghiên cứu lớn đối với gần 10.000 công nhân làm việc tại nơi tòa tháp đôi sụp đổ và cư dân gần đó, được công bố 5 năm sau vụ tấn công, 70% trong số họ đối mặt với những vấn đề mới về phổi hoặc bệnh phổi trở nên trầm trọng hơn sau vụ 11/9.

Quân đội Mỹ kiệt sức

Những vấn đề đặt ra với nước Mỹ sau vụ 11/9 - 2
Iraq tuyên bố không muốn quân đội Mỹ hiện diện tại nước này sau năm 2011.
 
Dù chỉ mất vài tuần để đánh bại Taliban ở Cabun và Saddam Hussein ở Badghad, song quân đội Mỹ đã nhanh chóng nhận ra rằng họ rơi vào một cuộc chiến kéo dài mà họ thì lại chưa được đào tạo để đối phó với quân nổi dậy có trong tay những vũ khí thô sơ nhưng nguy hiểm.

Cuộc chiến tranh ở Iraq đang kết thúc song cuộc xung đột ở Afghanistan tiếp tục bước sang năm thứ 10, với gần 100.000 binh lính Mỹ đang đóng quân và dự kiến được rút dần trong vòng 4 năm tới.

Theo Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, kể từ năm 2001, "cuộc chiến chống khủng bố" và các chiến dịch tại Afghanistan và Iraq đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ 1.280 tỷ USD Mỹ, trong đó 63% là ở Iraq.

Nhưng theo các nghiên cứu độc lập, con số thực sự phải gấp tới 3 lần.

Những năm tháng chiến tranh kéo dài cũng đã tiêu tốn nhân lực một cách khủng khiếp, với hơn 6.000 lính Mỹ chết và 45.000 người khác bị thương, bên cạnh tỷ lệ ngày càng tăng các vụ tự sát và các vấn đề về sức khỏe tâm lý của các quân nhân.

Cuộc chiến cũng phá hoại hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài và làm tăng thêm những hạn chế đối với quyền lực quân đội Mỹ.

Nguyễn Viết
Tổng hợp