1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tuyên bố áp dụng luật Hồi giáo của chính phủ mới Libya gây lo ngại

(Dân trí) - Tuyên bố luật Hồi giáo sẽ là cơ sở của luật pháp tại đất nước Libya vừa mới được “giải phóng” đang gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt là đối với phụ nữ, mặc dù những người Hồi giáo khẳng định luật được áp dụng theo hướng ôn hòa.

Tuyên bố áp dụng luật Hồi giáo của chính phủ mới Libya gây lo ngại - 1
Libya được tuyên bố giải phóng giữa nhiều lo ngại.

 

Trong bài phát biểu trước cả nước tại Benghazi, nhằm chính thức tuyên bố đất nước được giải phóng khỏi chế độ của ông Gadhafi, lãnh đạo lâm thời Mustafa Abdel Jalil hôm chủ nhật vừa qua tuyên bố luật Hồi giáo sẽ là cơ sở cho luật pháp của Libya.

 

“Bất kỳ luật nào vi phạm quy tắc Hồi giáo sẽ không có giá trị và bị từ bỏ”, ông cho biết, viện dẫn ví dụ về luật hôn nhân được áp dụng trong suốt 42 năm nắm quyền của ông Gadhafi. Luật này giới hạn tục đa thê, tục được phép trong đạo Hồi.

 

“Luật ly hôn và hôn nhân…luật này đi ngược với giáo lý đạo Hồi và phải được ngăn chặn”, ông Jalil cho hay.

 

Bình luận của ông đã gây ra những chỉ trích cũng như kêu gọi kiềm chế ở cả Libya và châu Âu, nhất là trong bối cảnh các cuộc biểu tình Mùa Xuân Ảrập có thể làm sống dậy những đạo luật Hồi giáo hà khắc.

 

Nhiều người Libya chờ đợi bài phát biểu lịch sử vào hôm chủ nhật đã vô cùng ngạc nhiên trước quyết định của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC), khi đề cập tới vai trò của đạo luật Hồi giáo trước cả những vấn đề quan trọng hơn như an ninh và giáo dục.

 

“Thật sốc và thật nhục nhã với quốc gia, sau khi hàng ngàn người Libya phải hi sinh mạng sống của họ cho sự tự do, mà ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo mới là sẽ cho phép đàn ông cưới trong bí mật”, Rim, 40 tuổi, một người ủng hộ phụ nữ cho biết.

 

Trong bài phát biểu của mình, ông Abdel Jalil cũng tuyên bố sẽ đưa ra hệ thống ngân hàng Hồi giáo ở Libya, để phù hợp với đạo Hồi, cấm kiếm lời – một hình thức bị xem là cho vay nặng lãi.

 

Adelrahman al-Shatr, một trong những người sáng lập Đảng đoàn kết dân tộc trung hữu vừa mới được công bố vào tuần trước, cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để lãnh đạo NTC nói về chính sách của nhà nước mới.

 

“Đó là vấn đề nên được bàn thảo với các nhóm chính trị khác nhau và với người dân Libya”, ông cho hay.

 

“Những tuyên bố như thế này gây ra đau đớn, cay đắng đối với phụ nữ, những người đã phải hi sinh bao nhiêu liệt sỹ”, trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng chống lại những người trung thành với ông Gadhafi.

 

“Bằng việc bỏ luật hôn nhân, phụ nữ sẽ mất quyền giữ ngôi nhà của gia đình nếu họ ly hôn. Đó là thảm họa đối với phụ nữ Libya”.

 

Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng ngay lập tức phản ứng đối với bình luận của ông Jalil, với người đứng đầu về chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton hôm qua cho rằng việc áp dụng luật Hồi giáo của Libya phải tôn trọng nhân quyền và những quy tắc dân chủ.

 

Abdel Jalil là một Bộ trưởng tư pháp đáng kính dưới thời ông Gadhafi, song đã tự tách khỏi chính quyền cũ khi các cuộc biểu tình nổ ra. Ông được xem là người sùng đạo và là tín đồ của đạo Hồi Sufi – phản đối sự cực đoan.

 

Ông đã từng cho biết một Libya mới sẽ không chấp nhận bất kỳ tư tưởng cực đoan nào và tìm kiếm sự trở lại của nước này trong cộng đồng quốc tế bằng việc theo đuổi đạo Hồi ôn hòa.

 

Tuy nhiên, những người Hồi giáo ở Libya hiện là lực lượng đang lên trong chính trường nước này, với một số nhân vật  như Abdelhakim Belhaj, người sáng lập nhóm LIFG có liên hệ với Al-Qaeda nhưng giờ đã bị giải tán, dự kiến sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng.

 

Phan Anh

Theo Reuters