Hé lộ điều đặc biệt về ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Lạc Thành

(Dân trí) - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, 70 năm nay, ngày nào nhạc hiệu bài hát "Chiến thắng Điện Biên" của cha ông - nhạc sĩ Đỗ Nhuận - cũng vang lên khiến ông rất xúc động.

70 năm qua, giai điệu bài Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vang lên khiến chúng ta tự hào hơn về những chiến công của bộ đội ta trong lịch sử. 

Đỗ Nhuận là nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam, tên tuổi của ông gắn liền với những ca khúc viết về Bộ đội Cụ Hồ và Trường Sơn huyền thoại. Trong nhiều ca khúc sáng tác về người lính như Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, thì ca khúc Chiến thắng Điện Biên là biểu tượng cao đẹp về sự hội tụ niềm vui của toàn Đảng, quân và dân ta sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hé lộ điều đặc biệt về ca khúc Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - 1

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - tại Moscow năm 1978 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận - cho biết, bài hát Chiến thắng Điện Biên được cha của ông sáng tác vào đêm 7/5/1954 tại khu rừng Mường Phăng - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở để chỉ huy chiến dịch.

Từ đó đến nay đã 70 năm, nhưng giai điệu, tinh thần của bài hát luôn được "hâm nóng", nhất là trong dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhạc hiệu bài hát vang lên như biểu tượng của sự chiến thắng, là tín hiệu nhớ lại 70 năm vẻ vang của đất nước ta.

"Bố tôi sáng tác bài hát ngay trong một đêm, lời ca khúc như "lên đồng", ông  viết nhạc đến đâu, ghi lời ra đến đó. Khi bài hát vang lên, chúng ta thấy được tiếng hoan hô, tiếng mừng vui không chỉ với người lính, người dân thắng trận giòn rã dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà đây là sự hân hoan của cả đất nước.

Mỗi lần nghe bài hát, chúng ta rất tự hào, khâm phục các thế hệ đi trước đã hy sinh để giành được độc lập dân tộc. Thêm nữa, chúng ta cũng thấy rằng, văn nghệ sĩ cũng gắn liền với bước đi của lịch sử đất nước. Họ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, dùng ngòi bút làm phong phú đời sống tinh thần ở chiến trường. Các tác phẩm ấy gắn liền với đời sống nên được trường tồn mãi mãi", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho hay. 

Ông cho biết thêm, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ từ năm 1953 - 1954. Trong thời gian đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận công tác ở đoàn văn công của Tổng cục Chính trị, ông vừa làm đường, vừa phục vụ chiến sĩ bằng cây đàn, giọng hát của mình. 

"Khoảng 2 tháng trước chiến dịch nổ ra, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp có gặp đoàn văn công, nhìn thấy ông Đỗ Nhuận, Đại tướng có nói: "Đồng chí chuẩn bị viết bài ca mừng chiến thắng đi nhé". Lời nhắn nhủ này không hẳn là mệnh lệnh hay giao nhiệm vụ nhưng có gợi ý, hướng cho ông Đỗ Nhuận viết bài hát.

Bố tôi đã tích lũy những ca từ một thời gian dài từ nhiều hình ảnh như: đoàn quân ra trận, đoàn dân công, mùa hoa nở… ông ghi vào sổ những chi tiết này và sáng tác ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể lại.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm, bài hát Chiến thắng Điện Biên của cha anh thường được gọi là Giải phóng Điện Biên - điều này cũng dễ hiểu vì khán giả thường gọi câu đầu tiên của bài hát cho dễ nhớ. Như bài hát Hành quân xa xuất phát từ câu đầu bài hát "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ", ban đầu tên bài hát là Đâu có giặc là ta cứ đi.

Nam nhạc sĩ nói: "Tinh thần của bài hát Chiến thắng Điện Biên là mừng chiến thắng, sau khi chúng ta cắm cờ trên hầm De Castries nhưng bài hát bắt đầu bằng quyết tâm giải phóng Điện Biên nên khán giả gọi như vậy cũng không sai".

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, ngay sau khi ra đời, bài hát Chiến thắng Điện Biên đã được Đài tiếng nói Việt Nam dùng để làm nhạc hiệu bắt đầu ngày mới. Giai điệu này đã được dùng 70 năm nay, ông Quân cho đây là kỷ lục cao nhất của một bài hát về chiến thắng được ghi dấu khi sáng nào cũng được vang lên như vậy.

Hé lộ điều đặc biệt về ca khúc Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - 2

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, dàn kèn của thành phố Hannover (Đức) từng chơi bài "Chiến thắng Điện Biên" với tên gọi "Hello Vietnam" ở nhiều nơi tại Đức (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Đến khoảng năm 2000, tôi là người phối khí lại bài hát này cho dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc đã thực hiện bài hát một cách trọn vẹn, hoàn chỉnh hay hơn. Là một người con, tôi cũng muốn làm tốt hơn các tác phẩm của bố mình.

Điều đặc biệt, bài hát này không chỉ vang lên ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng dùng để phát sóng. Vào năm 1999-2000, dàn nhạc kèn của Đức sang Việt Nam biểu diễn. Họ có mời tôi sang Đức chỉ huy và yêu cầu chơi 1 bài nổi tiếng của Việt Nam. Tôi đã chơi bài Chiến thắng Điện Biên với dàn kèn ở thành phố Hannover (Đức). Sau đó, họ chơi bài hát này ở các thành phố của Đức với tên gọi Hello Vietnam, chứng tỏ bài hát có ý nghĩa và sức lan tỏa", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể lại.

Năm 1995, trong dịp nhạc sĩ Đỗ Nhuận được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt đầu tiên), khi nói về sự ra đời của ca khúc Chiến thắng Điện Biên ông nói với đông đảo báo giới rằng: "Tôi đã hình dung ra ngày quân và dân Tây Bắc giải phóng. Những ca từ trong bài hát, đều rút ra trong cuốn hồi ký trong những ngày tháng tôi chiến đấu.

Tôi nghĩ, mình phải có một ca khúc sáng tác về ngày Điện Biên giải phóng trong sự hân hoan vui mừng của các dân tộc anh em miền Tây Bắc. Vậy là đêm 7/5/1954, tôi đã thức trắng để gieo những nốt nhạc đầu tiên lên những vần thơ.

Những ca từ "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui", đã nung nấu trong đầu tôi nhiều ngày, nhiều tháng trước đó.

Ca khúc Chiến thắng Điện Biên là ca khúc ruột của cuộc đời tôi, đã nở hoa giữa miền Tây Bắc".