1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đội quân phó cối” thần kỳ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(Dân trí) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vang dội trong lịch sử chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Có được thành quả ấy, những người lính hậu phương đã góp công rất lớn trong việc sản xuất 7.500 tấn gạo từ 10.000 tấn thóc của người dân Tây Bắc đóng góp nuôi quân.


Đại tá Trần Thịnh Tần - nguyên Cục trưởng Cục Quân trang (nay đã sáp nhập với Cục Quân lương thành Cục Quân nhu) đã ngoài 80 tuổi nhưng hễ nói chuyện về những ngày đánh Pháp xâm lược là ông lại hào sảng chẳng khác nào hồi còn đi chiến dịch.

Trong trận Trần Đình (mật danh của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ), Đại tá Tần là cán bộ biệt phái của Bộ về làm nhiệm vụ tại Tổng cục Cung cấp tiền phương. Tại đây ông đã được chứng kiến “Đội quân phó cối” - một sáng tạo diệu kỳ của hậu cần chiến trường. Để ủng hộ bộ đội đánh giặc, đồng bào Tây Bắc đóng góp trên 10.000 tấn thóc nếp và hàng trăm tấn thực phẩm. Vấn đề khó khăn là làm sao biến số thóc ấy thành gạo trong khi  đồng bào Tây Bắc quen giã gạo bằng tay, ngày nào ăn ngày đó, không quen dự trữ gạo. Cũng từ vấn đề khó khăn này, tiền phương Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập "Đội quân phó cối" ngay tại chiến trường. "Đội quân phó cối" tuyển mộ phó cối trong các đơn vị bộ đội, đơn vị dân công, thậm chí điều từ hậu phương lên.

“Đội quân phó cối” thần kỳ trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Đại tá Trần Thịnh Tần nhớ lại những ngày cùng đồng đội ở hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Họ vào rừng chặt tre làm cối xay, bện các thanh tre nhỏ làm áo cối, chẻ tre làm dăm cối, dùng đoạn thân tre nhỏ làm giàng kéo... Hàng trăm chiếc cối xay đã ra đời, quay ầm ầm suốt ngày đêm, kịp thời cho "ra xưởng" hàng nghìn tấn gạo, chi viện cho tiền tuyến, giải quyết 10.000 tấn thóc nếp nương thành xấp xỉ 7.500 tấn gạo, đạt gần một phần ba nhu cầu lương thực của quân ta tại mặt trận.

Cũng theo Đại tá Tần, ngày đó “Đội quân phó cối” vui như ngày hội dù giữa rừng Tây Bắc giá lạnh, nhiều ruồi vàng, bọ chó… đầy nguy hiểm. Chỉ có lòng yêu nước và sự hy sinh hết mình vì tiền tuyến, các chiến sĩ hậu phương mới có thể làm được điều kỳ diệu như vậy ngay giữa lòng Điện Biên Phủ.

Trung Kiên - Xuân Hinh