DNews

Ký ức của trung đội trưởng trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 Điện Biên Phủ

Hà Mỹ

(Dân trí) - Xung phong nhập ngũ khi chưa 16 tuổi, vị Đại tá đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp với ký ức đậm nét về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cùng đồng đội đã trực tiếp đánh vào đồi A1 - cứ điểm ác liệt nhất.

Ký ức của trung đội trưởng trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 Điện Biên Phủ

Người thanh niên ấy là Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.

Những ký ức khi tham gia trận chiến vào 70 năm trước được ông chia sẻ vào sáng 4/5, tại buổi gặp mặt, tri ân những các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự kiện do Thành ủy, HĐND, UBND và MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức. 

Chiến đấu chỉ bằng quan sát ánh lửa đầu nòng súng của chỉ huy

 Đại tá Nguyễn Thụ sinh năm 1933 tại làng chiêm trũng nghèo Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh đất nước bị giặc Pháp áp bức, nô dịch.

Thấy nỗi đau của người dân mất nước trong đó có gia đình mình, ông Thụ xung phong nhập ngũ vào năm 1949, khi chưa đầy 16 tuổi, với suy nghĩ đi tham gia kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp. Ông được biên chế vào Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308.

Sau một tuần huấn luyện, ông cùng các đồng đội đi chiến đấu liên tục ở các chiến dịch trong những năm chống thực dân Pháp. Do có thành tích trong chiến đấu, năm 1952, ông Thụ khi đó 19 tuổi được chọn đi học sĩ quan khóa 7 tại trường Lục quân Việt Nam (nay là trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Vân Nam, Trung Quốc.

Tốt nghiệp khóa học 1952-1953, ông được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.

Ký ức của trung đội trưởng trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 Điện Biên Phủ - 1

Đại tá Nguyễn Thụ tại buổi gặp mặt sáng 4/5 (Ảnh: Hà Mỹ).

Trong khi đang làm công tác chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 26/1/1954, Đại đoàn 308 được lệnh lập tức sang Lào thực hiện Chiến dịch Thượng Lào (ngày 29/1-13/2/1954).

Kế hoạch này nhằm giúp nước bạn mở rộng vùng giải phóng và thực hiện nghi binh thu hút địch, đồng thời cô lập không cho địch chi viện từ Lào sang Điện Biên Phủ, buộc chúng chỉ còn một con đường là chi viện cho Điện Biên Phủ bằng đường không. 

Hoàn thành giải phóng Thượng Lào, ngày 18/2/1954, ông Thụ cùng các đồng đội được lệnh trở về Điện Biên Phủ cùng tham gia chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch.

Sau thắng lợi giòn giã ở đợt tiến công thứ nhất, bước sang đợt 2, ngay trong đêm 30/3/1954, ta đồng loạt đánh vào 5 ngọn đồi ở phía đông Mường Thanh là A1, C1, C2, D, E.

"Trong đêm ấy, ta diệt gọn 3 cứ điểm C2, D,  E; còn đồi C1, A1 hai bên giằng co, mỗi bên giữ một nửa và kéo dài cả tháng trời. Đánh đồi A1 chủ yếu là Đại đoàn 316 và Đại đoàn 308. Trận chiến ác liệt này, mặc dù địch bị tiêu diệt nhiều nhưng cán bộ, chiến sĩ ta cũng hy sinh, tổn thất rất lớn", ông Thụ xúc động kể lại. 

Ký ức của trung đội trưởng trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 Điện Biên Phủ - 2

Di tích đồi A1 Điện Biên Phủ từng là cứ điểm giao tranh ác liệt nhất trong cả chiến dịch, hiện là địa danh nổi tiếng của tỉnh Điện Biên (Ảnh: Mạnh Quân).

Trung đội do ông Thụ chỉ huy được điều lên thay quân chiến đấu trên đồi A1 một ngày và gần 2 đêm. Quân số 16, được trang bị 2 trung liên, 4 tiểu liên, còn lại là súng trường, đảm bảo đạn mỗi đồng chí 2 đến 3 cơ số, có một máy thông tin 2W.

Thời gian này, trung đội chiến đấu nhiều trận rất ác liệt. Ông nói do tiếng pháo binh ta bắn mãnh liệt vào đồi A1 và pháo binh địch chống trả nên tai các chiến sĩ điếc đặc, không nghe được gì. Hiệp đồng và chỉ huy chiến đấu chỉ bằng quan sát ánh lửa đầu nòng súng của người chỉ huy.

Qua chiến đấu, trung đội của ông chỉ còn 5 đồng chí, còn lại là hy sinh và bị thương. Sau mỗi trận đánh, trung đội lại củng cố công sự, công sự nào tốt nhất thì dành cho thương binh khi chưa chuyển về tuyến sau được.

Đến khi đợt phản kích bắt đầu, do chỉ còn 5 người nên các thương binh có thể còn chiến đấu được cũng cầm súng chiến đấu. Pháo binh ta bắn dồn dập vào trận địa địch, quân địch kêu la inh ỏi và tháo chạy.

Sau trận chiến đấu này, một khẩu trung liên của trung đội bị hỏng, đạn và lựu đạn cũng gần hết, chiến sĩ thông tin hy sinh, máy 2W bị hỏng, trung đội mất liên lạc với sở chỉ huy Trung đoàn và pháo binh.

"Nước uống và lương khô cũng hết, khát đến cháy cổ, song chúng tôi bảo nhau chiến đấu đến cùng và sẵn sàng đánh giáp lá cà với địch, quyết tâm bảo vệ trận địa", Đại tá Nguyễn Thụ nói. 

Vào thời điểm gay go ấy, khoảng 10 đồng chí là cán bộ, chiến sĩ do chính Trung đoàn trưởng Hùng Sinh dẫn đầu mang theo cả vũ khí, máy thông tin lên trận địa.

Lúc này, địch lại tiếp tục phản kích. Do có máy thông tin liên lạc nên pháo binh ta bắn phá mãnh liệt và khá chính xác vào trận địa của địch nên chúng phải tháo chạy.

Trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, nhất là hệ thống cộng sự của địch, bộ đội ta đã giữ vững trận địa và tìm ra cách tiêu diệt cứ điểm A1, trực tiếp dẫn đến thắng lợi của toàn chiến dịch. Sau trận đánh này, ông Thụ và một chiến sĩ nữa được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ký ức của trung đội trưởng trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 Điện Biên Phủ - 3

Đại tá Nguyễn Thụ nay đã 91 tuổi nhưng giọng nói vẫn hào sảng, minh mẫn (Ảnh: Hà Mỹ).

"Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã qua 70 năm nhưng tôi luôn ghi nhớ những ngày tháng chiến đấu ác liệt, đầy hy sinh gian khổ. Tôi luôn ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của vị Tổng tư  lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ tài ba - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng biết bao đồng bào, đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ", vị Đại tá xúc động chia sẻ. 

Ông cũng luôn nhớ và tri ân đồng bào Tây Bắc, các đồng chí thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…đã không ngại hy sinh, gian khổ, đùm bọc, giúp đỡ trong suốt chiến dịch.

Chia sẻ bản thân cảm thấy vinh dự và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, vị Đại tá cho biết càng xúc động hơn khi ông trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 - nơi trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được điều về Trường Sĩ quan Lục quân 1 làm giảng viên. Tại đây, đến năm 1959, nghĩa là sau 10 năm chiến đấu, công tác, học tập, giảng dạy, tôi được bổ nhiệm Trưởng khoa của 1 khoa giáo viên tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Sau 43 năm công tác trong quân đội, Đại tá Nguyễn Thụ được tặng thưởng 8 huân chương, trong đó có một Huân chương Quân công hạng Ba, hai Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều huân chương khác. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thiên sử vàng chói lọi

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tinh thần chiến đấu ngoan cường, trí thông minh sáng tạo của các chiến sĩ tại mặt trận; sự đóng góp to lớn của quân và dân ta, trong đó có quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thiên sử vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam; phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chiến thắng này không chỉ là chiến công vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi có ý nghĩa to lớn của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Ký ức của trung đội trưởng trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 Điện Biên Phủ - 4

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Hà Mỹ).

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn trân trọng, tự hào và biết ơn những người con ưu tú của Thủ đô đã không quản gian khổ, hy sinh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông khẳng định các đại biểu là chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ dự cuộc gặp mặt hôm nay thực sự là những gương tiêu biểu, là niềm tự hào của thủ đô, góp phần bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cách mạng cho các thế hệ người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ.

"Tôi mong rằng, các bác, các đồng chí luôn sống vui, sống khỏe và có cuộc sống vật chất ổn định, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Hà Nội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thủ đô", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.