1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Mỗi người dân phải có chỗ đứng của mình trong Hiến pháp”

(Dân trí) – “Cần mường tượng Hiến pháp ra đời khi chưa có chính quyền, chưa có nhà nước, không phân biệt giai cấp... Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nghĩa là mỗi người đều phải tìm ra chỗ đứng của mình trong bản Hiến pháp” – TS luật học Nguyễn Đăng Dung phát biểu.

Ngày 20/3, UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức, luật sư, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhấn mạnh nội dung dân chủ trong Hiến pháp, GS Lưu Văn Đạt – Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật cho rằng, nguyên tắc dân chủ phải thể hiện, nhân dân đứng ở vị trí cao nhất trong xã hội; quan điểm của người lãnh đạo “những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”; mọi cán bộ, đảng viên, công chức đều phải là công bộc của dân.
GS. Lưu Văn Đạt: Người dân phải đứng ở vị trí cao nhất trong xã hội.
GS. Lưu Văn Đạt: "Người dân phải đứng ở vị trí cao nhất trong xã hội".

“Điều đó có nghĩa, xây dựng nền dân chủ pháp quyền phải gắn với xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Hiến pháp” – ông Đạt lý luận.

Ông Đạt đánh giá cao quy định tại Điều 6 – nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. “Dân chủ trực tiếp”, theo ông Đạt, là điểm tương đối mới.

Một số biểu hiện của việc đề cao dân chủ trực tiếp quy định tại Điều 30 – nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân quản lý nhà nước và xã hội. Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật đề nghị chỉnh điều luật thành nhà nước phải luôn bảo đảm bằng pháp luật để người dân thực hiện quyền quản lý của mình, thông qua hoạt động phản biện và giám sát.

Ngoài ra, Hiến pháp cần đặc biệt nhấn mạnh việc trưng cầu ý dân. Ông Đạt khẳng định “đó là quyền của người dân chứ không phải sự ban ơn”. Cụ thể, Hiến pháp cần quy định rõ nội dung nào cần đưa ra trưng cầu dân ý.

Thêm nữa, GS Đạt cũng đề xuất, bản Hiến pháp nhất quyết phải được đưa ra để người dân phúc quyết, như tinh thần của Hiến pháp 1946, 2 lần đề cập nguyên tắc người dân phúc quyết về các vấn đề quốc kế dân sinh. Đại biểu dẫn lại ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói “nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Quốc hội chỉ đứng ra soạn thảo, còn người dân mới có quyến quyết định công nhận hay không đối với bản Hiến pháp đó”.

Tán thành những lập luận này, đại biểu Lù Văn Que – Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân tộc đề nghị mở rộng cách thức dân chủ trực tiếp quy định tại Điều 6 của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, theo hướng “càng rộng càng tốt”. Ông Que muốn liệt kê đầy đủ những quyền, những hoạt động người dân được làm để thể hiện quyền lực trực tiếp của mình. Nguyên tắc đề ra là việc gì không thể thực hiện bằng dân chủ trực tiếp mới phải thông qua chế độ đại diện

Ngoài ra, ông Que cho rằng, cơ chế dân chủ gián tiếp cũng cần đẩy thêm lên qua việc nâng cao quyền đại diện.  Ngoài việc thể hiện quyền lực thông qua nhà nước, theo đại biểu, người dân có thể thực hiện cơ chế dân chủ đại diện thông qua Mặt trận tổ quốc.

Đại biểu tỏ ra không hài lòng với cách thể hiện quy định về trưng cầu dân ý tại Điều 30 – trao quyền tổ chức trưng cầu dân ý cho Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về dân tộc phân tích, người dân vẫn khó thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình khi không quy định rõ trong trường hợp nào, với sự việc này cần tổ chức trưng cầu ý dân.
TS.Nguyễn Đăng Dung: Mỗi người dân đều phải tìm ra chỗ đứng của mình trong Hiến pháp.
TS.Nguyễn Đăng Dung: "Mỗi người dân đều phải tìm ra chỗ đứng của mình trong Hiến pháp".

GS, TS Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội) xuất phát từ quy định về quyền tự do sống, mưu cầu hạnh phúc cho rằng, để đạt được điều đó, bản Hiến pháp làm sao phải có sự tham gia của mọi người dân.

“Chúng ta mường tượng Hiến pháp ra đời khi chưa có chính quyền, chưa có nhà nước, không phân biệt giai cấp, đảng phái. Mọi người sinh ra đều bình đẳng nghĩa là mỗi người đều phải tìm ra chỗ đứng của mình trong bản Hiến pháp này” – ông Dung diễn giải.

Đại biểu băn khoăn, Quốc hội đang được trao quyền lực cao nhất, lớn nhất, đang ở vị thế “điều hành” nên khi biên soạn bản Hiến pháp, nhiều việc Quốc hội dành để viết cho mình. Vì vậy, quy định về trưng cầu dân ý nhưng do Quốc hội quyết định, cho trưng cầu mới được trưng cầu.

Chuyển sang nội dung về quyền con người, quyền – nghĩa vụ cơ bản của công dân, GS Lưu Văn Đạt nêu vấn đề, việc hạn chế đối với quyền con người trong những trường hợp vì lợi ích an ninh quốc phòng là cần thiết nhưng đối với phạm trù đạo đức cần xem xét lại.

Phân tích với quy định công dân có quyền tự do ngôn luận theo quy định của pháp luật, ông Đạt cho rằng, nếu có những hạn chế về tự do ngôn luận, tự do hội họp thì phải quy định trong Hiến pháp chứ không phải sẽ hạn chế bằng các đạo luật. Làm “quy trình ngược”, các luật sẽ thành vi hiến.

Ông Đạt cho rằng, khi Hiến pháp quy định quyền tự do của người dân thì các đạo luật sẽ quy định trình tự thủ tục cách thức cụ thể để thực hiện các quyền đó.

Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận có nhiều điểm mới về quyền con người thể hiện tại Điều 16, Điều 46. Ông Quang thực sự tâm đắc về môi trường tốt hơn sẽ được tạo ra để đảm bảo cuộc sống của mỗi người dân.

TS Phạm Huy Thông - Ủy viên UB TƯ MTTQ cũng khẳng định, quy định về quyền con người có nhiều điểm tiến bộ. Bên cạnh việc quy định quyền công dân, dự thảo Hiến pháp đã khẳng định mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được đảm bảo về quyền con người.

Ghi nhận nhận thức mới về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 25 Ông Thông chỉ đề xuất chỉnh câu từ thành “mọi người được tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”. Theo đó, trẻ em dưới 18 tuổi, người đang là bị can, bị cáo, phạm nhân và ngay cả những người bị kết án tử hình vẫn có quyền tôn giáo. Điều đó thể hiện quan điểm nhân ái.

P.Thảo