1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người lính già với vở rối nước “đánh B52”

Đào Thục - một làng quê ở ngoại ô Hà Nội thuộc huyện Đông Anh - có phường rối nước trên 300 năm tuổi. Bên cạnh các vở diễn truyền thống của làng như “Ba khí giáo trò”, “Lên võng xuống nước”, “Trâu chui ống”… từng mê hoặc bao lớp người, nay có thêm vở mới: “Đánh B52”.

Người lính già với vở rối nước “đánh B52”

Tiểu Đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu gia đình ông Đinh Thế Văn.

 

Tác giả của vở rối mới toanh này là ông Đinh Thế Văn - vị Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa từng hạ B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội bằng cách đánh độc đáo của mình.

 

Hai lần đánh “Điện Biên Phủ”

 

Nhà có hai anh đầu tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng năm 16 tuổi (1953), Đinh Thế Văn cũng xung phong vào bộ đội. Chàng trai “chưa đủ tuổi” ấy theo đoàn quân lên Tây Bắc để tham gia trận đánh cuối cùng với quân viễn chinh Pháp ngay tại lòng chảo Điện Biên. Kết thúc trận đánh lịch sử ấy, Văn cũng vừa tròn 17 tuổi đời với 2 tuổi lính, huân chương chưa “đầy ngực” nhưng hai năm “cơm vắt ngủ hầm” cũng đủ để  cho chàng trai trẻ nếm trải mùi chiến trận. Đó là trận đánh Điện Biên Phủ lần đầu của Văn.

 

Những tưởng được trở về làng và tiếp tục với nghề nông của gia đình, để mỗi tháng một lần, Văn sẽ theo cha ra đình làng tham gia diễn rối nước như bao bậc tiền bối của Đào Thục đã từng diễn rối từ thời Vua Lê Ý Tông (1735), nhưng cuộc chiến tranh chống Mỹ đã khép lại nhiều dự định của Văn. Ông tiếp tục đời quân ngũ rồi trở thành vị Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa khi vừa mới ngoài ba mươi.

 

Nếu như bắn máy bay các loại F của Mỹ là điều còn khá mới mẻ của lính phòng không ngày ấy thì việc đánh B52 còn lạ lẫm hơn. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội này, toàn binh chủng đã phải luyện tập không ngừng nghỉ suốt ngày đêm với bao gian khổ, nhưng tất cả đều hướng về mục tiêu là phải “hạ gục” cho bằng được pháo đài bay của không lực Mỹ ngay trên bầu trời thủ đô.

 

Đã 40 năm rồi mà ông Văn vẫn không quên cái đêm 18/12/1972 trước khi bước vào trận đánh để đời ấy: “Chúng tôi hồi hộp vô cùng. Tim như muốn vỡ ra khi nghe còi báo động vang lên và tiếng của những chàng trắc thủ báo cáo về tọa độ của từng tốp B52 lừ lừ tiến vào Hà Nội. Chúng tôi như những cậu học trò bước vào phòng thi, dù “ôn tập” đã khá nhuần nhuyễn và tự tin, song thật khó để biết rằng “đề thi” ấy liệu chúng tôi có giải được không? Và rồi, từng “bài toán” một, chúng tôi lần lượt tìm ra đáp số”.

 

Ông Đinh Thế Văn trước thủy đình. Ảnh: Trà Ban
Ông Đinh Thế Văn trước thủy đình. Ảnh: Trà Ban

 

“Đáp số” mà ông Văn nói ấy chính là một trong hai chiếc máy bay B52 đầu tiên rơi ngay trong đêm 18/12/1972 mà Tiểu đoàn 77 của ông bắn rơi một chiếc. Ông Văn nhớ lại: “Lúc ấy là 23h9, một tốp B52 hiện lên màn hình ngày càng rõ. Bộ phận giải nhiễu cho hay, đích thị là con “ngáo ộp” ấy rồi. Đến cự ly 32km, tôi cho phát lệnh, 2 quả tên lửa lao vào trời đêm, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 23km, nổ tung. Trắc thủ báo cáo “mục tiêu cháy rất to. Cả tiểu đoàn vỡ òa! Đó chính là chiếc B52  rơi ở xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây - một trong hai pháo đài bay đã bị bắn hạ ngay trong đêm đầu tiên “khai hỏa” chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội”.

 

Cũng cần nhắc lại rằng, trước khi Mỹ mở chiến dịch “đưa Hà Nội trở về thời đồ đá”, bộ đội tên lửa của ta cũng đã từng bắn B52 nhưng chỉ nghe nói “lúc thì chúng rơi bên rừng Lào, khi thì chúng lê lết về sân bay Đà Nẵng”, riêng lần này thì có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt “niềm kiêu hãnh” của không lực Mỹ rơi rụng xuống các cánh đồng miền Bắc Việt Nam. Đấy là lần thứ hai, ông Văn tham gia đánh Điện Biên Phủ, nhưng lần này là “Điện Biên Phủ trên không”.

 

Đánh theo cách của Văn

 

Trong Bảo tàng Binh chủng Phòng không-Không quân hiện còn lưu giữ cuốn “sổ đỏ” nói về cách đánh B.52. Tiểu đoàn 77 của ông Đinh Thế Văn đã góp vào đấy những trang rất độc đáo mà không một giáo án nào trước đó đề cập đến. Đó là “đánh theo cách của Văn”.

 

Ông Văn nói với tôi rằng, cuốn “sổ đỏ” ấy, khách tham quan chỉ nhìn thấy cái bìa, còn ruột của nó thì vẫn còn là điều “bí mật”. Ông chỉ diễn nôm để cho người ngoại đạo chuyện súng ống là tôi hiểu thế này: “Bám theo B52 là hàng loạt các loại máy bay khác, lại còn nhiễu giả chúng giăng mắc dày đặc vây quanh nhằm đánh lạc hướng rađa của ta. Đã vậy, các loại máy bay tiêm kích của chúng có thể bắn trả vào bộ phận phát sóng dưới đất của ta một cách chính xác nhất nếu như mình không khôn ngoan “lúc ẩn lúc hiện”. Vì việc phát sóng ấy của rađa vô tình trở thành mục tiêu cho địch.

 

Khi chúng bay vào tầm 32km, xác định được hướng bay của chúng, ta tắt rađa và phát lệnh cho tên lửa lao lên. Bắn như thế, thuật ngữ quân sự gọi là “vượt trước nửa góc”, giống như bắn đón đầu. Nói thì có vẻ dông dài nhưng tất tật các thao tác ấy chỉ diễn ra chưa đến 10 giây vì vận tốc B52 là 1.000km/h nên chỉ trong tích tắc, hoặc là tên lửa trúng mục tiêu, hoặc là chỉ “vuốt đuôi” chúng mà thôi”.

 

Cách đánh “vượt trước nửa góc” của Tiểu đoàn 77 đã thành một trong những cách đánh ưu việt của bộ đội tên lửa trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà cả Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng lẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm của Đinh Thế Văn ngay khi khói bom vừa dứt để nghe vị tiểu đoàn trưởng này báo cáo cách đánh B.52 khá kỳ lạ ấy.

 

Rối nước cũng “đánh” B52

 

Làng rối nước Đào Thục xuất hiện cách nay trên 300 năm và con cháu của làng vẫn giữ “nghề” truyền thống này từ bấy đến giờ. Cha ông Đinh Thế Văn là cụ Đinh Văn Viết, một “ông bầu” của làng múa rối nước Đào Thục, sinh thời có dặn con trai, lúc ông Văn còn tại ngũ: “Nếu sau này con về hưu mà còn mạnh khỏe, con nên tiếp tục truyền thống rối nước của làng, đừng bỏ mai một mà có lỗi với ông bà”.

 

Năm 53 tuổi (1990), ông Văn “trả súng cho quân đội” về hưu với quân hàm đại tá. Cuộc chiến với ruộng vườn cũng không kém phần gian nan nhưng lời dặn của bố cứ ám ảnh lấy ông. Làng Đào Thục chỉ cách trung tâm Hà Nội 30 cây số nhưng thuộc “vùng sâu vùng xa”, bởi bùn lầy đã vây lấy làng mỗi mùa mưa đến.

 

Ông Văn kể, có những năm, dân Đào Thục không bán được con lợn, con gà nào vì không một bà buôn nào có thể đưa được heo gà ra khỏi làng do đường quá lầy lội. Khó khăn là vậy nhưng ánh đèn để diễn rối nước nơi thủy đình của làng Đào Thục thì chưa có năm nào tắt.

 

Ông Văn nghĩ, rối nước với các vở cũ ngày một “mòn”, ông cùng một số nghệ nhân của làng bèn sáng tác ra vở mới: “Đánh B52”. Có lẽ, trận đánh B.52 năm nào vẫn còn cựa quậy trong người lính già này. Nhưng mỗi lần diễn rối nước, ban tổ chức lại phải chạy vạy gõ cửa khắp làng để xin “tài trợ”, nuôi diễn viên. Làm như thế sẽ không bền chặt.

 

Nghĩ vậy, ông Văn lại xuống Hà Nội gõ cửa Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, gặp ngay Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm - một người rất “máu” với vốn văn hóa cổ truyền. Giáo sư Chương về Đào Thục cùng ông Văn để xem “Đánh B.52” và ông rất tâm đắc.

 

Sau chuyến đi đó, hễ có đoàn khách nước ngoài nào mà “mê” văn hóa truyền thống của Việt Nam, GS Chương lại dẫn về Đào Thục để thưởng lãm. Dần dà, các tour du lịch cũng đưa rối nước Đào Thục vào chương trình của họ.

 

Thế rồi, con đường làng lầy thụt năm nào đã thành “bon bon đường nhựa” cùng với hệ thống điện chiếu sáng kéo về đến tận thủy đình vừa mới tân trang, tất cả đều được Nhà nước đầu tư xây dựng. Các diễn viên của làng cũng không còn cảnh “chạy gạo” gõ cửa dân làng vào mỗi đêm diễn nữa mà đã tự nuôi thân bằng vé tham quan của du khách.

 

“Nếu không có cái cú “đánh B52 bằng rối nước”, chắc không biết đến bao giờ Đào Thục mới thoát được cảnh bùn lầy” - ông Văn kết luận. Hình như những trận đánh B52 từ 40 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính già 75 tuổi ấy.

 

Theo Trà Ban
 Lao Động