1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại biểu Lê Như Tiến:

“Sau chất vấn, phải hành động và chuyển động”

(Dân trí) - “Tôi hy vọng sau chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ phải hành động, chuyển động, chứ không phải chỉ là những lời hứa trên hội trường” - đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay 21/11, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã trao đổi với phóng viên báo Dân trí về các nội dung chất vấn và Bộ trưởng trả lời chất vấn trong 4 phiên vừa qua.

Đại biểu Lê Như Tiến (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Lê Như Tiến (ảnh: Việt Hưng).

Các vị đại biểu vừa tiến hành chất vấn 4 vị Bộ trưởng. Ông đánh giá thế nào về các phiên chất vấn này?

Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn nhìn chung chân thành, cầu thị và nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chưa hài lòng lắm, vì cách trả lời vẫn như các năm, tức là vẫn nói rất dài về tình hình công tác của ngành mình mà chưa trả lời trực diện vào những câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.

Khi đại biểu hỏi, ngành anh có tiêu cực hay không, có tham nhũng, hoặc việc đó anh đã xử lý thế nào? Anh phải nói thẳng, phải trả lời trực diện vào câu hỏi.

Bên cạnh đó, tôi thấy các phiên chất vấn cần tăng tính phản biện, trao đi đổi để tăng tính phản biện sau quá trình chất vấn. Nếu chỉ hỏi một chiều xong rồi lại trả lời một chiều, không có đối thoại nhiều, không có tranh luận, trao đổi nhiều, chắc chắn những vấn đề cốt lõi, bản chất sẽ không bật được ra.

Ví dụ như Bộ trưởng Bộ Công Thương khi nói về thủy điện, chủ yếu đổ tại cho địa phương hoặc ngành nông nghiệp mà không thấy bản thân các thủy điện nhỏ, chức năng quản lý Nhà nước thuộc về Bộ Công Thương.

Hoặc như với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi được hỏi “cán bộ công chức tỷ lệ 30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” có đúng không? Có lần tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên diễn đàn của Quốc hội và diễn đàn Thường vụ Quốc hội nhưng cũng không trả lời trực diện là có hay không và số liệu nào đúng.

Vậy theo ông, cái thiếu nhất của 4 phiên chất vấn vừa qua là gì?

Cái thiếu nhất của chất vấn, theo cảm giác của tôi là thiếu lửa. Thiếu lửa ở đây không phải là sự gay gắt, mà chính là nhiệt huyết, cái tận cùng của vấn đề. Chúng ta biết, nếu như chất vấn là nhận thức, nhận thấy, nhận biết vấn đề thì cái quan trọng nhất là hậu chất vấn. Nó chính là hành động và chuyển động, nếu sau chất vấn mà không hành động, chuyển động thì mọi thứ đều vô nghĩa. Lúc đó chất vấn không mấy ý nghĩa nữa.

Cho nên, chất vấn cuối cùng vẫn phải là hậu quả pháp lý quy trách nhiệm cá nhân; rồi sau đó, Bộ trưởng, trưởng ngành có giải pháp thiết thực để chuyển động đối với ngành của mình. Chuyển động theo hướng tích cực, chắc phục những tồn tại, thiếu sót, bất cập. Đấy mới chính là hiệu ứng tốt của chất vấn.

Tôi vẫn hy vọng nhiều hơn, sau chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ phải hành động, chuyển động thế nào, chứ không phải chỉ là những lời hứa trên hội trường.

Một số ý kiến cho rằng, các phiên chất vấn chưa làm rõ được trách nhiệm của người buộc phải chất vấn thì vẫn còn tình trạng “trả bài” ở những kỳ họp sau?

Thời gian tới, Quốc hội, đặc biệt là Đoàn chủ tịch, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có điều hành kiên quyết hơn và hướng cho các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thấy được trách nhiệm của mình. Bởi bản chất của chất vấn là quy trách nhiệm cá nhân, chứ không phải chất vấn để nắm tình hình hoặc để tìm hiểu thông tin, càng không phải để truy xét một tập thể mà là quy trách nhiệm của người đứng đầu.

Vậy nên, Đoàn chủ tịch phải hướng tới việc đó, còn nếu không, chất vấn xong rồi, lần sau vì không rõ trách nhiệm cá nhân lại sẽ chất vấn lại những vấn đề đó. Và những vấn đề đó, thường là không được khắc phục. Tôi thấy đó là những cái chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, kể cả phía đại biểu Quốc hội và phía thành viên Chính phủ.

Để phiên chất vấn “có lửa”, theo như ông nói, việc lựa chọn người ngồi vào vị trí ghế nóng có phải là vấn đề quyết định không?

Đúng vậy. Việc lựa chọn những người, những ngành trong thời gian qua được rất nhiều cử tri quan tâm. Đại biểu Quốc hội là mang tiếng nói của cư tri lên diễn đàn Quốc hội, nên nhiều cử tri, dư luận xã hội quan tâm đến người chất vấn, lĩnh vực được chất vấn.

Trong thời gian vừa qua, đại biểu Quốc hội cũng băn khăn nhiều, có những vấn đề nóng của một số vị Bộ trưởng nhưng không được đưa ra chất vấn lần này. Cử tri hỏi tôi, họ đặt vấn đề, liệu Quốc hội có né vấn đề nóng không? Việc này, đại biểu Quốc hội cũng đã hỏi nhiều nhưng chắc Đoàn Chủ tịch và Thường vụ Quốc hội đã có cân nhắc trong việc lựa chọn những người nào để trả lời.

Ông vừa có nhận xét về phần trả lời của một vài Bộ trưởng, vậy ông đánh giá phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son thế nào?

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bắc Son cho thấy, Bộ trưởng nắm được vấn đề, trả lời khá tường minh, rõ ràng và có nhận trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định điều đó.

Thông tin truyền thông là lĩnh vực rất khó, nhạy cảm, được dư luận cả nước quan tâm, trong đó phải kể đến cả những vấn đề làm được và những vấn đề đang còn bất cập, đang còn là điểm yếu như: quản lý các trang mạng xã hội, quản lý các blog cá nhân hoặc các trang tin điện tử, vấn đề game online, tin nhắn rác…

Những vấn đề này đã được Bộ trưởng trả lời rành rọt, khá chi tiết. Điều tôi đánh giá cao chính là thái độ nhận trách nhiệm về ngành mình và về cá nhân của Bộ trưởng Bắc Son.

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bắc Son cho rằng, việc tăng giá cước 3G vừa qua là mới chỉ tăng bằng 50% giá thành. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Riêng chi tiết các nhà mạng cùng một lúc tăng giá cước, về chỗ này, nhiều đại biểu vẫn còn gợn, bởi không thể ngẫu nhiên được. Người thiệt thòi vẫn là người sử dụng các dịch vụ của mạng thông tin truyền thông. Chắc là có một vấn đề gì đó bên trong, nhưng Bộ trưởng hứa sẽ điều tra và sẽ xem xét, nếu có kết quả sẽ báo cáo với Quốc hội trong thời hạn sớm nhất.

Điều tôi quan tâm nhiều hơn, chính là quy hoạch mạng lưới, vì có quy hoạch mạng lưới báo chí, gồm báo in, báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử thì mới đỡ lãng phí nguồn lực của nhà nước, không trùng lắp thông tin và giảm được cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ quan thông tin báo chí.

Ông có nói đến việc quy hoạch mạng lưới báo chí. Vậy ông đánh giá thế nào về sự phát triển của các báo điện tử hiện nay?

Sự phát triển của báo điện tử và các thông tin điện tử chính là sự phản ánh thành tựu của công nghệ thông tin. Đó là một thành tựu của thế giới, bởi có báo điện tử, có các trang tin điện tử, thông tin sẽ được truyền tải đến người dân một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, chúng ta phải quản lý làm sao để những tin xấu, những tin kích động, những tin mang tính thiếu lành mạnh, giật gân, bôi nhọ cá nhân sẽ hạn chế và tiến tới phải chấm dứt.

Ông có nói bốn phiên chất vấn vừa qua "thiếu lửa", vậy ông kỳ vọng gì về phiên chất vấn Thủ tướng chiều nay?

Tôi kỳ vọng ở phiên chất vấn chiều nay của Thủ tướng, các đại biểu sẽ đặt những câu hỏi về những vấn đề lớn, những vấn đề không phải là ngành. Các đại biểu cần đặt những câu hỏi đối với vị nhạc trưởng, chứ không phải với từng nhạc công như mấy phiên vừa qua.

Đối với vị nhạc trưởng thì phải có khâu chủ yếu là chỉ đạo điều hành, xử lý các mối quan hệ giữa các Bộ, ngành với nhau và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (thực hiện)