1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Xem thường vết nứt ở Thủy điện sông Tranh 2 là vô trách nhiệm”

(Dân trí) - “Những vết nứt ở Thủy điện Sông Tranh 2 là những dấu hiệu tiếp theo sau hàng loạt tiếng nổ lớn do động đất kích thích đã từng diễn ra. Đây là những dấu hiệu cảnh báo bất thường, phải có ngay những biện pháp đảm bảo an toàn đối với khu vực dân cư”.

Đó là ý kiến của ông TS Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu về hiện tượng những vết nứt, kèm theo hiện tượng rò rỉ nước ở khu vực bờ đập chính của Thủy điện Sông Tranh 2 đã diễn ra trong những ngày qua, khiến nhiều người dân xã Trà Dân, huyện Bắc Trà My, hoang mang, lo lắng.

UBND huyện  Bắc Trà My cũng cho biết, vài ngày trước đó, đã nhận được thông tin của người dân và đã cử người đi kiểm tra thực tế, đồng thời làm việc với Ban Quản lý dự án Thủy điện Sông Tranh 2 để xác định nguyên nhân vết nứt kèm theo rò rỉ nước. Đến 19/3, Ban quản lý dự án thủy điện 3 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, các dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm qua đập khoảng 30 lít/giây không ảnh hưởng đến an toàn ổn định đập. Về tổng lượng thấm của đập 30 lít/giây đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Hội đồng nghiệm thu cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nghiệm thu cơ sở, cơ quan thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.
 
“Xem thường vết nứt ở Thủy điện sông Tranh 2 là vô trách nhiệm”
Không thể xem thường những vết rò rỉ tại đây (Ảnh: Công Bính)

Hiện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí phía hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt chứ không phải khe nứt. Các khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập (theo thiết kế có tổng cộng 30 khe nhiệt). Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt gây nứt bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình sau này. Các khe nhiệt này xuyên suốt từ thượng lưu về hạ lưu. Hiện đơn vị thi công là Tổng Công ty xây dựng Thủy lợi 4 – CTCP và Ban QLDA Thủy điện 3 đã và đang tiếp tục xử lý thấm của đập để làm giảm tổng lượng nước rò ra ngoài.

“Đơn vị thi công cho rằng đây là hiện tượng bình thường là vô trách nhiệm với cộng đồng. Về phía cơ quan khoa học, Viện Vật lý Địa cầu đã từng có đoàn khảo sát khi có hiện tượng hàng loạt tiếng nổ lạ xảy ra ở khu vực huyện Bắc Trà My. Những vết nứt ở chân đập là hiện tượng tiếp theo sẽ xảy ra nếu chân đập chưa được gia cố kỹ càng và chưa đảm bảo kỹ thuật.
 
Chúng tôi đã cảnh báo, các trận động đất vừa xảy ra ở khu vực này là những trận động đất kích thích, xảy ra theo chu kỳ sau khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đi vào hoạt động. Trên thực tế, các trận động đất đã diễn ra tập trung gần đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, giữa đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn, đồng thời cũng nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện. Do đó, phía đơn vị thi công nhất thiết phải có thêm phương án gia cố chân đập, có phương án di dời dân cư trong trường hợp khẩn cấp.”- ông Phương gay gắt.

Ông Phương cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn cho thủy điện Sông Tranh 2, cơ quan thi công và chính quyền địa phương cần sớm lắp đặt hệ thống đài trạm quan trắc cảnh báo động đất, bởi đặc điểm của động đất do kích thích là nhắc lại theo chu kỳ. Nếu tiến hành đo đạc thường xuyên thì hoàn toàn có thể dự báo được chu kỳ tiếp theo.

Cùng tiên lượng về hiện tượng hàng loạt vết nứt ở Thủy điện Sông Tranh 2, nhiều nhà khoa học khác cũng bày tỏ lo ngại đến những khả năng xấu như vỡ đập có thể xảy ra. Giả thiết đưa ra là, nếu vì lý dó nào đó, vết nứt tiếp tục lan rộng, thân đập không chịu nổi áp lực, bị đứt gãy, hàng trăm triệu mét khối ở thượng lưu sẽ đổ xuống hạ lưu, nơi có cư dân sinh sống thì hiểm họa thật khó lường.
 
“Xem thường vết nứt ở Thủy điện sông Tranh 2 là vô trách nhiệm”
Cần những biện pháp khắc phục có tính bền vững

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cũng cho biết, theo tiêu chuẩn kỹ thuật của một đập nước thủy điện thì không được phép để nước thấm chảy qua. Nếu đập nứt, nước chảy qua, dòng thấm sẽ gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập. Do đó, việc xử lý các vết nứt để tạo độ bền vững cho đập cũng đòi hỏi kỹ thuật cao chứ không qua loa được.

Nhận định về về khả năng vỡ đập thủy điện, ông Nguyễn Hồng Phương cũng cho rằng, trên phương diện khoa học  khả năng này không cao. Tuy nhiên, không thể loại trừ hoàn toàn yếu tố địa chất  có thể bất ngờ diễn ra. Trong khi đơn vị thi công lại chưa có được những dự báo về các trận động đất tiếp theo thì thân đập có thể thêm yếu và không loại trừ việc bị vỡ. Vì vậy, trước mắt cơ quan chuyên môn cùng đơn vị chủ đầu tư cần khẩn cấp vào cuộc kiểm tra các vết nứt, rò rỉ này nhằm đưa ra phương án gia cố đảm bảo ngăn chặn hoàn toàn thảm họa đối với vùng hạ lưu.
 
Thuỷ điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư khoảng 5.194 tỉ đồng, xây dựng từ tháng 3.2006 gồm hai tổ máy với tổng cộng 190MW. Cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Dung tích hồ chứa nước của thuỷ điện Sông Tranh 2 thuộc hạng mục lớn nhất miền Trung, với khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100m.

Thanh Trầm