1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

ASEAN có cần xem xét lại nguyên tắc đồng thuận?

(Dân trí) - Sau những lùm xùm về kết luận của Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia về Biển Đông tại Cấp cao ASEAN 21, giới học giả Indonesia đang đặt câu hỏi: ASEAN có cần xem xét lại nguyên tắc đồng thuận? Nguyên tắc này một mặt có thể là chất keo kết dính, nhưng mặt khác...

Truyền thông

 

Đồng thuận: Động lực hay trở lực của ASEAN?

 

... nó cũng có thể gây khó cho các nước thành viên trong khối trước những vấn đề khó hoặc gần như không thể tìm được tiếng nói chung.

 

Trong những bài viết đăng tải sau khi Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các Cấp cao liên quan kết thúc tại Campuchia vừa qua, các báo Bưu điện Jakarta, Jakarta Globe và Kompas của Indonesia đều đã "xoáy" sâu vào tình trạng không thống nhất kéo dài giữa các nước thành viên Hiệp hội trong việc xử lý các tranh chấp ở Biển Đông giữa 4 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

 

Theo các tác giả các bài viết, chủ yếu là các chuyên gia đối ngoại, an ninh, quốc phòng hàng đầu của Indonesia, "ASEAN nên cân nhắc từ bỏ nguyên tắc đồng thuận và chuyển sang cơ chế bỏ phiếu để có thể có được quyết định chung của khối trong những vấn đề còn chưa thống nhất".

 

"Trên con đường xây dựng ngôi nhà chung, ASEAN chắc chắn sẽ gặp phải nhiều vấn đề không thống nhất, mà Biển Đông chỉ là một điển hình. Vì thế ASEAN sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để đi tới nhất trí chung nếu vẫn giữ nguyên tắc đồng thuận", nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Bantarto Bandoro của trường Đại học Quốc phòng Indonesia nhận định.

 

Theo ông Bandoro, nếu chuyển sang áp dụng hệ thống bỏ phiếu để đưa ra quyết định, ASEAN sẽ trở thành một tổ chức đáng tin cậy hơn vì có thể đưa ra quyết định trong mọi trường hợp. "ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn trước những ảnh hưởng đến từ bên ngoài vốn có thể gây chia rẽ và đẩy các nước thành viên xa rời nhau", chẳng hạn như vấn đề Biển Đông với Trung Quốc hay xây dựng quan hệ với Mỹ trong kỷ nguyên dịch chuyển trọng tâm về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

 

Cùng chung quan điểm này, nhưng ông Aleksius Jemadu - Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Xã hội của trường Đại học Pelita Harapan - lại nhấn mạnh đến bản chất của các nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích dân tộc, quốc gia.

 

"Việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là bản chất của một nhà nước. Vì vậy, việc các nước thành viên ASEAN ưu tiên lợi ích riêng của mình, tuân theo áp lực trong nước hơn là từ chủ nghĩa khu vực không có gì là lạ. Nếu không thay đổi lại nguyên tắc ra quyết định, ASEAN sẽ mãi vẫn chỉ là một khối lỏng lẻo khi không thể đưa ra được những quyết định dứt khoát cho những vấn đề nhức nhối trong khu vực", ông Aleksius Jemadu phân tích trong bài viết của mình.

 

Trong khi đó, học giả Rizal thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia nêu dẫn chứng từ thực tế của Indonesia để lập luận cho quan điểm nên xem xét từ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong  ASEAN.

 

"Khi nói (hay động chạm) đến lợi ích quốc gia, đặc biệt các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, Indonesia sẽ có những nguyên tắc 'dĩ bất biến' và kiên quyết sẽ không thay đổi cho dù các bên có đồng ý hay không", học giả này nói sau khi khẳng định "quốc gia vạn đảo" sẽ không thể làm được gì nhiều để thu hẹp khoảng cách giữa các bên liên quan trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

 

Hiện tại Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt ở Biển Đông với 4 nước thành viên của ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trong những động thái mới đây nhất, Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng ở vùng biển này khi cho lưu hành bản hộ chiếu mới có in chìm hình đường "lưỡi bò" ôm trọn gần hết Biển Đông, đồng thời chính thức phát hành phi pháp bản đồ của cái gọi là "thành phố Tam Sa" được lập lên vội vã hồi tháng 7 vừa qua trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

Những hành động này của Trung Quốc, cộng thêm việc trước đó nước này liên tục có các hành động đe dọa các nước trong khu vực, cũng như việc dùng ảnh hưởng buộc Campuchia lái các cuộc đàm phán về Biển Đông theo hướng có lợi cho mình, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận khu vực và quốc tế.

 

Tuy nhiên, dưới nhãn quan của giới học giả, những phản ứng mạnh mẽ của dư luận khu vực sẽ không chỉ dừng lại ở việc lên án Trung Quốc hay chỉ trích Campuchia - nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2012, mà sẽ rẽ sang một hướng mới.

 

"Việc Tổng thống Philippines  Benigno Aquino nhấn mạnh có con đường riêng để bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ là dấu hiệu đầu tiên của xu hướng này", chuyên gia Bandoro nói.

 

Trước đó, tại phiên bế mạc Cấp cao ASEAN 21 diễn ra tại cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Tổng thống Philippines Aquino đã thẳng thừng ngắt lời của Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen khi ông này nói rằng "các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận từ nay sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông".

 

"Tôi xin lỗi ngắt lời ngài Chủ tịch, nhưng tôi phải nói rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được một số nhất trí trong vấn đề Biển Đông chứ không phải đạt được đồng thuận về việc sẽ không quốc tế hóa. Liên quan đến giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, đối với Philippines, ASEAN không phải là con đường duy nhất. Là một quốc gia có chủ quyền, Philippines có quyền bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình", Tổng thống Aquino quả quyết.

 

Theo nhận định của chuyên gia Bandoro, tuyên bố của nguyên thủ Philippines cho thấy rõ khả năng Manila sẵn sàng lựa chọn một con đường khác để giải quyết vấn đề này. Con đường đó có thể có liên quan đến Mỹ, đồng minh thân cận truyền thống của Philippines từng tuyên bố có những lợi ích về tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

 

Trong khi đó, việc Campuchia ngày càng phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào Trung Quốc cho thấy khả năng nước này rất có thể sẽ "trở thành đại diện không chính thức" bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán về Biển Đông thuộc khuôn khổ ASEAN.

 

"Những động thái cứng rắn của Philippines và sự phụ thuộc quá lớn của Campuchia vào Trung Quốc báo hiệu ASEAN sẽ vô cùng khó khăn để đi tới đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Mọi chuyện rồi sẽ lại kết thúc như sự cố đã xảy ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 vừa qua", ông Bandoro nói.

 

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) ở Campuchia, các nước đã không ra được tuyên bố chung do bất đồng về cách thức giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Đây là lần đầu tiên, Hiệp hội ASEAN vốn nổi tiếng với sự gắn kết và thống nhất nội khối đã không thể ra được tuyên bố chung do vấp phải phản ứng của nước chủ nhà Campuchia.

           

Quan điểm của chuyên gia Bandoro cũng là quan điểm chung của nhiều học giả khác của Indonesia, cho rằng để phát triển và giải tỏa bế tắc, đã đến lúc ASEAN cần áp dụng nguyên tắc đồng thuận một cách linh hoạt, có cơ chế ra quyết định riêng cho từng lĩnh vực trong ba trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội mà cả khối đang nỗ lực hướng tới vào năm 2015.

 

Việt Giang