1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhậm chức nên có chương trình hành động

(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng là nhân sự cấp cao, được kỳ vọng, trông đợi sẽ có hướng điều hành đột phá để tháo gỡ khó khăn hiện nay trong các lĩnh vực. Đáng lẽ các vị được đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm cần đối thoại, có chương trình hành động trình QH…

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ quan điểm về nội dung công tác nhân sự tại kỳ họp QH lần này.
2 Bộ trưởng được đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng kỳ này nhận được đánh giá tốt của ĐBQH.
2 Bộ trưởng được đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng kỳ này nhận được đánh giá tốt của ĐBQH.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến:

Tân Phó Thủ tướng cần đối thoại tại Quốc hội

Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, sau khi Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm, không có việc 2 tân Phó Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội.

Tất nhiên, tôi tin tưởng vào sự giới thiệu của Thủ tướng Chính phủ, vì Thủ tướng trước khi giới thiệu còn thông qua nhiều cơ quan chức năng khác. Nhưng tôi đề nghị là các vị tân Phó Thủ tướng để được Quốc hội phê chuẩn thì ít nhất phải có một đối thoại với Quốc hội hoặc có bản chương trình hành động để ĐBQH biết anh là ai, chương trình hành động sắp tới của anh thế nào, có những lĩnh vực nào anh phụ trách và có đột phá gì với lĩnh vực đó. Có như vậy thì ĐBQH mới yên tâm để bỏ lá phiếu phê chuẩn đối với các chức danh quan trọng này theo đề nghị của Thủ tướng.

Ít nhất, người đứng ra phê chuẩn phải biết được nhân thân của anh thế nào, chương trình hành động của anh ra sao, rồi những đột phá chiến lược gì khi mà anh đảm nhiệm cương vị đó. Tôi cũng được biết, có người cũng muốn trình bày trước Quốc hội chương trình hành động của mình nhưng theo qui định hiện nay lại không có nội dung này. Vì vậy, nên bàn đến việc thay đổi Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của Quốc hội và ĐBQH, trong đó chương bàn về nhân sự thì qui trình, thủ tục sẽ như thế nào. ĐBQH cũng không có điều kiện nghiên cứu thật kỹ nhân sự đó thế nào. Thậm chí, theo qui định phải có kê khai tài sản nhưng đến thời điểm này ĐBQH cũng chưa hề biết.

Cá nhân tôi đánh giá cao 2 Bộ trưởng được giới thiệu làm Phó Thủ tướng (Bộ trưởng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh – PV). 2  thành viên Chính phủ này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thời gian qua trọng trách của ông gắn với việc khởi sắc công tác ngoại giao. Trên trường quốc tế, ngoại giao Việt Nam cũng được đánh giá tốt, tham gia hội nhập ngoại giao đa phương, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân. Đặc biệt là chúng ta tham gia vào các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng rất tốt. Bản thân Bộ trưởng Ngoại giao cũng được đánh giá là năng động, sáng tạo. Chính vì thế, công tác đối ngoại của Nhà nước ta được đánh giá là thành công, thắng lợi trong thời gian qua.

Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam là một thành viên Chính phủ còn trẻ, năng động; đã được luân chuyển qua nhiều cương vị công tác; là lãnh đạo của Bộ TT-TT, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh…

Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải phòng Trần Ngọc Vinh:

Nhân sự dự kiến được phê chuẩn bổ nhiệm đạt yêu cầu

UB Pháp luật của Quốc hội đã họp để thông qua nhân sự bên Chính phủ trình tại kỳ họp này, các thành viên của Chính phủ đã giải thích. Các thành viên UB pháp luật cũng đánh giá cần thiết bổ sung chức danh Phó Thủ tướng.

Nói chung, các ĐBQH và người dân đều muốn như ở các nước là khi chuẩn bị nhận một chức gì đó nhân sự đó phải có chương trình hành động. Ở ta thì trong kỳ họp này chưa thấy chương trình đó. Nhưng các ĐBQH đã nắm được thông tin về những vị chuẩn bị dự kiến đưa ra phê chuẩn, biết được tiểu sử cũng như công việc đã từng đảm trách. Đây là một điều kiện thuận lợi.

Nói chung những nhân sự Chính phủ trình lần này tôi thấy rất tốt, đạt yêu cầu. Tôi đặt kỳ vọng những người này khi đảm nhiệm vị trí mới sẽ khắc phục, nhìn nhận được những tồn tại cũ nhưng phải tiếp thu được những cái tốt đẹp của cái cũ để làm tốt công việc của Chính phủ, đặc biệt là làm sao thúc đẩy được kinh tế phát triển, đảm bảo được đời sống nhân dân, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hiện nay có vấn đề nổi lên là đời sống nhân dân và xuất kinh doanh đều khó khăn, chúng tôi mong phải thu hút được lao động nếu không sẽ có các hệ lụy xã hội khác xảy ra. Đây là những mặt mà dân rất mong Chính phủ sẽ làm tốt hơn.

Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM Huỳnh Minh Thiện:

Trông đợi hướng tháo gỡ đột phá từ ứng viên Phó Thủ tướng

Nhân sự mà Quốc hội xem xét phê chuẩn lần này gồm 2 Phó Thủ tướng và 1 Bộ trưởng, rõ ràng là nhân sự cấp cao rồi, lĩnh vực họ điều hành rất rộng. Vì thế lẽ ra mỗi người đều phải có chương trình hành động thật chi tiết, cụ thể để thể hiện quan điểm, phương pháp điều hành, quản lý của mình. Nhất là những lĩnh vực mà tới đây họ sẽ phụ trách đang có khó khăn gì và họ sẽ tháo gỡ ra sao, đột phá thế nào. Nhiệm kỳ này vẫn còn 2 năm, đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp  phát triển, vậy thì trên cơ sở, nền tảng nào. Chưa ai nói  rõ điều này cả. Không ai khác, Chính phủ phải nói rõ nước công nghiệp hóa trên những lĩnh vực nào, từ đây đến đó Chính phủ điều hành ra sao. Vì với những ngổn ngang như hiện tại, ai cũng thấy có sự bất cập.

Tôi cũng như các ĐBQH khác đều đặt vấn đề các nhân sự chủ chốt được Quốc hội bầu và phê chuẩn nên có chương trình hành động. Mỗi ĐBQH chúng tôi khi ra ứng cử đều phải có chương trình hành động, vì thế mỗi nhân sự cấp cao rất cần phải có.

P.Thảo